Nỗ lực ngoại giao để hạ nhiệt căng thẳng Nga - Ukraine

.

Những nỗ lực ngoại giao tiếp tục được thúc đẩy trong ngày 20-2 nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tranh xảy ra ở châu Âu trong bối cảnh mối quan hệ giữa Nga và phương Tây liên quan Ukraine vô cùng căng thẳng.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (phải) gặp gỡ Thủ tướng Đức Olaf Scholz bên lề hội nghị an ninh Munich ngày 19-2. Vấn đề Ukraine là một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị này. Ảnh: AP
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (phải) gặp gỡ Thủ tướng Đức Olaf Scholz bên lề hội nghị an ninh Munich ngày 19-2. Vấn đề Ukraine là một trong những nội dung trọng tâm của hội nghị này. Ảnh: AP

Theo hãng thông tấn AFP, ngày 20-2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gọi điện cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Cũng như cuộc điện đàm vào ngày 12-2, ông Macron thúc đẩy đối thoại về việc thực thi các thỏa thuận Minsk liên quan khu vực Donbass - miền đông Ukraine và những điều kiện an ninh, ổn định ở châu Âu. Người đứng đầu Điện Élysée đã gặp gỡ Tổng thống Putin vào ngày 7-2 trong chuyến công du Nga. Từ đó, ông cùng các nhà lãnh đạo phương Tây như Thủ tướng Đức Olaf Scholz thúc giục ông Putin không để căng thẳng biến thành xung đột. 

Điện Élysée cho rằng, cuộc điện đàm ngày 20-2 là “nỗ lực cần thiết và có thể là cuối cùng nhằm ngăn một cuộc xung đột quy mô lớn xảy ra ở Ukraine”. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng khẳng định “sẽ sử dụng bất kỳ cơ hội nào, dù nhỏ nhất, để mở ra con đường tiến tới đàm phán”.

Trong hàng loạt động thái ngoại giao, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ có cuộc gặp người đồng cấp Mỹ Antony Blinken vào ngày 24-2. Phía Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng thể hiện sẵn sàng đối thoại với Nga. Tại Hội nghị an ninh Munich (MSC) ở Đức ngày 19-2, Tổng thống Zelensky cho biết, ông muốn gặp Tổng thống Putin và thảo luận với nhà lãnh đạo Nga để tránh xảy ra xung đột.

Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây càng thêm căng thẳng trong thời gian gần đây khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho rằng, Nga sắp triển khai hành động quân sự đối với Ukraine.

Nga đã điều động binh sĩ và tiến hành các cuộc tập trận gần khu vực biên giới Ukraine. Tuy nhiên, phía Moscow khẳng định việc điều động binh hay các cuộc tập trận đơn thuần mang tính phòng thủ, đồng thời không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào. Theo Moscow, việc NATO đang tìm cách “đông tiến” và đưa vũ khí vào lãnh thổ Ukraine chính là mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh của Nga.

Trong lúc căng thẳng dâng cao và phương Tây cảnh báo về một cuộc “động binh” thì Nga rút dần lực lượng ra khỏi biên giới Ukraine. Song, Mỹ và NATO cho rằng, Moscow vẫn tăng cường bố trí quân, thậm chí có khả năng triển khai hành động quân sự đối với Ukraine. Những nỗ lực ngoại giao con thoi giờ đây tiếp tục được thúc đẩy mặc dù các cuộc gặp gỡ, điện đàm giữa các quan chức phương Tây, Nga và Ukraine trong thời gian qua chưa tạo ra sự đột phá nào.

Các nhà quan sát nhận định: Đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lòng châu Âu kể từ sau Chiến tranh Lạnh, “lục địa già” phải triển khai những nỗ lực ngoại giao cấp cao nhất để tìm giải pháp hạ nhiệt. Nhưng điều mà phương Tây băn khoăn là quyết định của Nga đối với Ukraine sẽ như thế nào, đối thoại hay xung đột.

Mấu chốt của căng thẳng hiện nay chủ yếu xoay quanh việc NATO muốn tiếp tục mở rộng sang phía Đông và kết nạp Ukraine làm thành viên. Tất nhiên Nga không khoanh tay đứng nhìn NATO tiến sát biên giới. Thế nhưng, trong lúc các đề xuất bảo đảm an ninh của Nga chưa được Mỹ và NATO đáp ứng thì các cuộc pháo kích lại gia tăng ở khu vực Donbass. Việc Hạ viện Nga bỏ phiếu thông qua dự luật kêu gọi Tổng thống Putin công nhận độc lập cho vùng Donbass, nếu được chấp thuận sẽ đặt dấu chấm hết cho các thỏa thuận Minsk. Vì vậy, Ukraine là một vấn đề quan trọng trong cuộc đàm phán được cho là khó khăn nhất giữa Nga và phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Đành phải chờ những nỗ lực ngoại giao và thiện chí của các bên để tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.