Quốc tế

Thế giới tuần qua: Đàm phán về Ukraine chưa tìm ra lối thoát; Biểu tình xe tải lan rộng

08:13, 13/02/2022 (GMT+7)

Tuần qua, dư luận quốc tế đặc biệt chú ý đến sự kiện đàm phán Normandy về cuộc khủng hoảng Ukraine bị bế tắc, cũng như phong trào biểu tình xe tải phản đối quy định về Covid-19 tại Canada.

Đàm phán về Ukraine chưa tìm ra lối thoát

Đại diện các nhà đàm phán của nhóm bộ Tứ Normandy (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine) nhóm họp tại Berlin (Đức) về giải quyết khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Ảnh: Elysee/TTXVN
Đại diện các nhà đàm phán của nhóm bộ Tứ Normandy (gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine) nhóm họp tại Berlin (Đức) về giải quyết khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Ảnh: Elysee/TTXVN

Cuộc đàm phán cấp cố vấn ngày 11-2 của Bộ tứ Normandy, bao gồm Nga, Đức, Ukraine, Pháp không mang lại kết quả do các bên không vượt qua được khác biệt xung quanh thỏa thuận Minsk.

Hãng thông tấn TASS dẫn lời Phó Chánh văn phòng Điều hành Phủ Tổng thống Nga Dmitry Kozak cho hay sau 9 giờ thảo luận, cuộc họp tại Berlin nhằm thúc đẩy các đàm phán hoà bình cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã kết thúc mà không đạt được kết quả rõ rệt.

Nhà đàm phán của Nga nói với các phóng viên rằng tình hình hiện tại của vòng đàm phán Normandy đã rơi vào bế tắc. Tuy nhiên, ông khẳng định họ sẽ tiếp tục tổ chức các vòng đàm phán cấp thấp cho đến khi đạt được tiến triển cụ thể nhằm hướng đến một hội nghị lớn giữa bốn nguyên thủ quốc gia. Ông đồng thời nhận xét đây là một mục tiêu bất khả thi tại thời điểm hiện nay.

Ông Dmitry Kozak nhấn mạnh rằng các đại diện trung gian của Đức và Pháp tuy hỗ trợ kế hoạch hòa bình nhưng cần gây sức ép mạnh hơn nữa để Ukraine thực thi các thỏa thuận đã đạt được.

Trong khi đó, nhà đàm phán đại diện cho Ukraine, ông Andriy Yermak cũng xác nhận đàm phán tại Berlin đã không đạt được tiến triển vì những khác biệt to lớn. Ông Yermak cho biết các vòng đàm phán trong tương lai nhiều khả năng tập trung vào việc trao đổi tù nhân giữa Kiev và lực lượng đòi độc lập, cũng như việc mở lại một số cửa khẩu giữa Ukraine và vùng lãnh thổ do lực lượng đòi độc lập kiểm soát. Cho tới nay, phía Chính phủ Ukraine vẫn từ chối đối thoại với các nhà lãnh đạo ở Luhansk và Donetsk thuộc miền Đông Ukraine.

Các đại diện của Bộ Tứ Normandy đã đồng ý gặp lại vào tháng 3 để tiếp tục thảo luận về cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Các bên đều khẳng định họ vẫn giữ cam kết với thỏa thuận hòa bình Minsk năm 2015 giữa Kiev và Moskva, nhằm giải quyết xung đột. Tuy nhiên, cả Nga và Ukraine đều tuyên bố rằng bên kia vi phạm hiệp định.

Theo số liệu của Liên hợp quốc, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine tới nay đã làm trên 14.000 người thiệt mạng, chủ yếu thuộc các khu vực đòi độc lập.

 Binh sĩ Ukraine tại khu vực xung đột với lực lượng đòi độc lập ở Gorlivka, miền Đông Lugansk. Ảnh: AFP/TTXVN
Binh sĩ Ukraine tại khu vực xung đột với lực lượng đòi độc lập ở Gorlivka, miền Đông Lugansk. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo New York Times, cuộc đàm phán tại Berlin mới đây diễn ra trong bối cảnh tình hình căng thẳng tại biên giới Ukraine đang leo thang. Nga và đồng minh Belarus đang tiến hành chương trình tập trận chung quy mô lớn từ ngày 10 đến 20-2. Các lực lượng vũ trang của Ukraine đã bắt đầu các cuộc tập trận riêng dọc theo biên giới Nga và Belarus để đáp trả.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cho hay Mỹ coi sự chuẩn bị cho các cuộc tập trận quân sự Nga-Belarus là hành động leo thang căng thẳng, song Washington sẽ không dự đoán về ý nghĩa của một cuộc xâm lược nhằm vào Ukraine.

Trước tình hình như vậy, Mỹ tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine và điều máy bay chiến đấu tới Romania. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov cho biết Mỹ đã không vận thêm 90 tấn đạn dược tới Ukraine vào ngày 11-2, nâng tổng viện trợ quân sự lên hơn 1.300 tấn. Ngoài ra, Không quân Mỹ cũng đang di chuyển một nhóm máy bay chiến đấu F-16 từ Đức tới Romania nhằm hỗ trợ các đồng minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tuần tra Biển Đen.

Trong diễn biến liên quan, ngày 11-2, thêm nhiều quốc gia châu Âu như Anh, Bỉ, New Zealand, Na Uy, Latvia và Estonia đã khuyến cáo công dân rời khỏi Ukraine do tình hình căng thẳng ngày một gia tăng. Hàn Quốc đã quyết định cấm công dân nước này đi lại tới tất cả các khu vực thuộc Ukraine, đồng thời kêu gọi những người đang ở quốc gia Đông Âu lập tức sơ tán. Australia cũng đã ra quyết định tương tự.

Biểu tình xe tải lan rộng

Các cuộc biểu tình phản đối vaccine Covid-19 của những lái xe tải đang lan rộng trên toàn cầu, trong bối cảnh Mỹ yêu cầu Canada phải nhanh chóng kiểm soát tình hình.

Kênh truyền hình CBS đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gây sức ép đối với Ottawa nhằm sớm chấm dứt các cuộc biểu tình xe tải vốn gây gián đoạn đến hoạt động giao thương hàng hóa qua biên giới Mỹ-Canada.

Phong trào này ban đầu tập trung phản đối quy định của chính phủ Canada yêu cầu những người lái xe tải xuyên biên giới bắt buộc phải tiêm vaccine ngừa Covid-19, nhưng sau đó cuộc biểu tình đã mở rộng thành một phong trào lớn hơn nhằm chống lại các biện pháp y tế công cộng vốn được áp dụng để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.

Cầu Ambassador ở Detroit là nơi lượng hàng hóa trị giá hơn 390 triệu USD giữa Mỹ và Canada lưu thông mỗi ngày. Khó khăn về kinh tế đang gây tình trạng gián đoạn sản xuất cho ít nhất 5 hãng ô tô lớn và một nhà sản xuất khác. Ước tính mức thiệt hại lương đối với công nhân riêng ở bang Michigan đã lên tới 51 triệu USD trong tuần này.

Ông Bruce Heyman, cựu đại sứ Mỹ tại Canada, nói: “Biểu tình phản đối quy định tiêm vaccine đang đặt nền kinh tế và cuộc sống của người dân vào tình thế rủi ro”. Cho đến nay, "đoàn xe tự do" tiếp tục gây tắc nghẽn các đường phố ở Ottawa.

Đáng lưu ý, các cuộc biểu tình phản đối quy định về Covid-19 lấy cảm hứng từ "đoàn xe tự do" ở Canada đang lan rộng trên toàn cầu, trong đó có New Zealand,  Pháp và Australia.

Tại New Zealand, người biểu tình đã tập trung bên ngoài trụ sở Quốc hội đến ngày thứ tư. Cũng giống như tại Canada, những người biểu tình ở New Zealand không hài lòng về các biện pháp hạn chế liên quan đến Covid-19 của chính quyền Thủ tướng Jacinda Ardern.

Cảnh sát Pháp cho biết họ sẽ điều động 1.000 cảnh sát bảo vệ Paris, đồng thời dựng các trạm kiểm soát ở những tuyến đường cửa ngõ vào thủ đô để đối phó với những người biểu tình thuộc phong trào “Đoàn xe tự do”.

Đoàn xe biểu tình chặn đường cao tốc tại cửa khẩu biên giới ở Coutts, Alberta, Canada. Ảnh:AP
Đoàn xe biểu tình chặn đường cao tốc tại cửa khẩu biên giới ở Coutts, Alberta, Canada. Ảnh:AP

Những người biểu tình đã khởi hành từ miền Nam nước Pháp hôm 9-2 với mục tiêu hội tụ về Paris và Brussels đòi chấm dứt các hạn chế liên quan Covid-19. Khoảng 200 người biểu tình đã tập trung tại một bãi đậu xe ở Nice, trên bờ biển Địa Trung Hải của Pháp, trong đó nhiều người treo cờ Canada thể hiện ủng hộ những người lái xe tải ở Canada.

Tại Mỹ, Bộ An ninh Nội địa vừa điều động số lượng lớn nhân viên đến sở chỉ huy ở thành phố Los Angeles sau khi có cảnh báo về khả năng nổ ra một cuộc biểu tình của lái xe tải trong ngày Chủ nhật Super Bowl (13-2) - ngày diễn ra trận tranh chức vô địch thường niên của Liên đoàn Bóng bầu dục Quốc gia Mỹ.

Giới chức lãnh đạo Canada đã tuyên bố cuộc phong tỏa này là bất hợp pháp. Thành phố Windsor đang tìm cách đưa ra quy định để giải tán những người biểu tình. Trong khi đó, Cảnh sát Hoàng gia Canada và cảnh sát các tỉnh đang được điều động tiếp viện cho Windsor.

Thủ hiến tỉnh Ontario Doug Ford ngày 11-2 đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở tỉnh đông dân nhất Canada, để đối phó với cuộc phong tỏa của các lái xe tải ở khu vực biên giới với Mỹ và các cuộc biểu tình tại thủ đô Ottawa. Ông Doug Ford cho biết chính quyền Ontario sẽ ban hành lệnh cấm phong tỏa biên giới và đường cao tốc, đồng thời đặt ra mức phạt 100.000 CAD và quy định các hình phạt tù đối với những đối tượng không chấp hành.

Ngoài ra, chính quyền Ontario sẽ xem xét tước giấy phép cá nhân và thương mại của bất kỳ ai từ chối rời khỏi các cuộc biểu tình và kêu gọi những người biểu tình ra về.

Theo Báo Tin tức

.