Thế giới tuần qua: Nga-Ukraine xung đột quân sự; Các nước điều chỉnh để thích ứng với Covid-19

.

Xung đột tại Ukraine sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass và việc nhiều nước nới lỏng biện pháp chống dịch để chuyển mạnh sang thích ứng với Covid-19 là hai vấn đề thế giới nổi bật trong tuần.

Xung đột gây quan ngại tại Ukraine

Khói bốc lên trong chiến dịch quân sự của Nga tại sân bay quân sự ở Chuguyev, gần Kharkiv, ngày 24-2-2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Khói bốc lên trong chiến dịch quân sự của Nga tại sân bay quân sự ở Chuguyev, gần Kharkiv, ngày 24-2-2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 22-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận công nhận độc lập, đồng thời ký kết các hiệp ước hữu nghị, hợp tác và hỗ trợ với hai nước cộng hòa tự xưng Donest (DPR) và Luhansk (LPR) ở miền Đông Ukraine. Đến rạng sáng ngày 24-2, điện Kremlin phát đi thông báo về việc Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Donbass, Ukraine.

Ngay sau tuyên bố, nhiều vụ tấn công đã xảy ra ở các địa phương của Ukraine như Kharkiv, Kramatorsk, Odessa, Mariupol. Lực lượng Nga vào Ukraine thông qua biên giới ở Nga, Belarus và Crimea. Đến sáng ngày 26-2, giao tranh đã nổ ra giữa giữa binh sĩ Ukraine và Nga trên các đường phố ở thủ đô Kiev. Quân Nga đã phong tỏa ngả đường phía Tây vào Kiev. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố các lực lượng Nga đã kiểm soát sân bay chiến lược Hostomel ở ngoại thủ đô Kiev.

Thông báo Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng vũ trang nước này đã vô hiệu hóa nhiều cơ sở hạ tầng quân sự tại Ukraine, như sân bay quân sự, trạm chỉ huy và trung tâm liên lạc của quân đội Ukraine...

Ukraine cũng công bố con số thiệt hại của Nga khi nói nhiều máy bay, trực thăng bị bắn rơi, xe tăng bị tiêu diệt.

Leo thang xung đột ở Ukraine khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Phát biểu tại phiên họp ngày 24-2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo thế giới đang đối mặt với một thời điểm nguy hiểm. Ông kêu gọi ngừng bắn, đối thoại, tránh chiến tranh; đề nghị các bên cần dựa vào Điều 33 Hiến chương Liên hợp quốc để giải quyết các xung đột, tranh chấp một cách hòa bình. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm ngày 25-2 với Tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi Nga đàm phán với Ukraine, sau khi tình hình ở miền Đông Ukraine đã có những thay đổi nhanh chóng...

Ngoài việc chỉ trích Nga can thiệp quân sự tại Ukraine, Mỹ và phương Tây triển khai vòng trừng phạt mạnh tay nhằm chống Nga. Thủ tướng Đức Olaf Scholz ra lệnh ngừng xem xét cấp phép vận hành cho dự án Nord Stream 2 - đường ống dẫn thẳng khí đốt từ Nga đến Đức và châu Âu. Các ngân hàng trong EU bị cấm nhận tiền gửi từ công dân Nga với giá trị từ 100.000 euro trở lên. Một số tập đoàn, công ty sở hữu nhà nước của Nga bị tước quyền tiếp cận nguồn tài chính từ EU, nhiều nhà tài phiệt Nga, các cá nhân có quan hệ với Tổng thống Putin, bị phong tỏa tài sản tại EU.

Mỹ tuyên bố áp trừng phạt đối với 5 ngân hàng lớn của Nga, trong đó có hai ngân hàng lớn nhất là Sberbank và VTB, chặn các ngân hàng này trong các giao dịch bằng đồng USD. Mỹ ước tính rằng 80% lượng giao dịch hàng hóa của Nga thực hiện bằng đồng USD và phần lớn giao dịch đó sẽ bị cắt đứt.

Cũng đã xuất hiện tín hiệu tích cực bước đầu đưa tới khả năng chấm dứt xung đột. Một ngày sau khi tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga, chính quyền Kiev phát thông điệp muốn hòa bình và sẵn sàng đàm phán với Nga, bao gồm cả về lập trường trung lập liên quan đến Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi đáp đề nghị này với quan điểm Moskva luôn sẵn sàng đối thoại với điều kiện lực lượng vũ trang của Ukraine giải giáp vũ khí.

Các nước chuyển mạnh sang giai đoạn thích ứng với Covid-19

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều khu vực trên thế giới do làn sóng lây nhiễm Omicron chưa có dấu hiệu dừng lại. Malaysia ngày 25-2 ghi nhận 32.070 ca mắc mới Covid-19, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát ở nước này. Số ca tử vong trong một ngày qua là 46 ca, nâng số người tử vong lên 32.534 người.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 22-2-2022. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 22-2-2022. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng ngày, Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận 10.010 ca mắc Covid-19 mới. Đây là lần đầu tiên đặc khu hành chính có số ca mắc bệnh mới ở mức 5 con số. Giám đốc phụ trách bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm bảo vệ sức khỏe Hong Kong Trương Trúc Quân cho biết dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, việc kiểm soát được dịch bệnh hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cơ sở cách ly, người dân có hạn chế các cuộc tiếp xúc bên ngoài, các công ty có bố trí cho nhân viên làm việc ở nhà… hay không.

New Zealand trong ngày 25-6 ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 chạm mốc kỉ lục 6.137 ca, trong đó có 205 ca nhập viện và 56 ca tử vong. Auckland, thành phố đông dân nhất của New Zealand bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 3.879 ca. Bộ trưởng phụ trách về Covid-19 của New Zealand Chris Hipkins dự báo vài tuần tới sẽ quãng thời gian rất khó khăn do dịch bệnh có xu hướng lan rộng.

Lây nhiễm có thể còn tăng, nhưng điều đó khó có thể đảo ngược xu hướng thích ứng với Covid-19, tiến đến coi đây là bệnh đặc hữu. Nhiều nước đã mạnh dạn thay đổi cách tiếp cận, nới lỏng quy định, hạn chế phòng dịch. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 25-2 đã điều chỉnh hướng dẫn đeo khẩu trang. Theo đó, hầu hết người dân nước này sẽ không phải đeo khẩu trang tại những địa điểm công cộng trong nhà, bao gồm học sinh các trường học, nhưng không áp dụng với các phương tiện giao thông công cộng.

Tại Ấn Độ, thủ đô New Delhi đã thông báo chấm dứt tất cả các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng chống dịch Covid-19, sau khi dữ liệu của chính phủ cho thấy làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron gần đây đã giảm. Nhà chức trách vùng thủ đô đã quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm và cho phép các quán ăn hoạt động hết công suất phục vụ. Các địa điểm tôn giáo cũng được phép mở cửa trở lại. Trường học sẽ áp dụng giảng dạy trực tiếp từ ngày 1-4 tới.

Chính phủ New Zealand tuyên bố sẽ chuyển hướng hành động sang "Omicron giai đoạn 3" và ban hành các hướng dẫn điều chỉnh chi tiết. New Zealand sẽ áp dụng việc sử dụng rộng rãi hơn các bộ xét nghiệm RAT, thay thế cho xét nghiệm PCR. Định nghĩa về người tiếp xúc gần (F1) cũng sẽ được thay đổi theo hướng chỉ những người sống cùng một nhà với các trường hợp mắc Covid-19 mới được coi là (F1) và phải cách ly bắt buộc.

Tại Malaysia, những người trưởng thành tiếp xúc gần với ca mắc Covid-19, đã tiêm mũi tăng cường và không có triệu chứng vào ngày đầu tiên sẽ không cách ly. Quy định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1-3 tới. Bộ trưởng Y tế nước này, ông Khairy Jamaluddin, cho biết quy định mới được đưa ra dựa trên việc đánh giá nguy cơ để dần tiến đến giai đoạn bệnh đặc hữu.

Theo Baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.