Quốc tế

Triển vọng khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran

10:14, 10/02/2022 (GMT+7)

Như vậy là đòi hỏi mang tính quyết định từ phía Iran đối với Mỹ để có thể nhanh chóng khôi phục thỏa thuận hạt nhân được ký năm 2015 (Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) là Washington phải gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo này đã được “bật đèn xanh”. Ngày 4-2, Mỹ tuyên bố khôi phục quyết định miễn trừng phạt Iran nhằm tạo điều kiện cho các dự án hợp tác hạt nhân quốc tế trong bối cảnh các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Washington và Tehran tại Vienna (Áo) nhằm cứu vãn JCPOA đang bước vào giai đoạn cuối then chốt.

Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích, việc khôi phục quyết định miễn trừ trừng phạt sẽ giúp thúc đẩy các cuộc đàm phán ở Vienna. “Việc miễn trừng phạt nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán đạt một thỏa thuận về tái cam kết đầy đủ của các bên với JCPOA và đặt nền móng cho Iran trở lại tuân thủ các cam kết trong văn kiện này”, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ. Việc Mỹ miễn trừng phạt sẽ cho phép các công ty Nga, Trung Quốc và châu Âu thực hiện các dự án hợp tác nhằm bảo đảm các cơ sở hạt nhân của Iran không được sử dụng cho việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá tiến trình đàm phán hiện nay về chương trình hạt nhân của Iran có thể đi đến một thỏa thuận, song cần phải khẩn trương hoàn tất đàm phán vì Tehran đang tiếp tục phát triển năng lực hạt nhân (?!).

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nhấn mạnh: Việc Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và Tehran được hưởng lợi từ điều đó là “lằn ranh đỏ” của nước Cộng hòa Hồi giáo này trong các cuộc đàm phán. Song, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian cho biết, nhiều yêu cầu của Tehran về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ đến nay vẫn chưa được giải quyết. Ông Abdollahian khẳng định: Tehran không tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời trong đàm phán; đồng thời đề nghị Mỹ, Anh, Pháp và Đức cần thể hiện thái độ “chân thành và nghiêm túc” trong những cuộc đàm phán sắp tới.

Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran Ali Shamkhani cho rằng, mặc dù có “những tiến bộ hạn chế” trong các cuộc đàm phán tại Vienna, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được “cân bằng” về cam kết của Mỹ và Iran trong các cuộc đàm phán. Ông Shamkhani nhấn mạnh: “Cần có những quyết định chính trị của phía Mỹ để đạt được sự cân bằng trong các cam kết nhằm hướng tới một thỏa thuận tốt đẹp”.

JCPOA được ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh, Mỹ và Đức). Theo thỏa thuận này, Iran hạn chế chương trình hạt nhân đổi lại việc Mỹ và phương Tây dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA với lý do còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, đồng thời áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran. Phía Tehran cũng thu hẹp dần các cam kết trong thỏa thuận này sau khi các nỗ lực trung gian của châu Âu không thu được kết quả.

Vòng đàm phán gián tiếp thứ 8 tạm dừng vào cuối tháng 1 vừa qua và được nối lại vào ngày 8-2 với kỳ vọng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận trong những tuần tới. Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell bày tỏ hy vọng các bên sẽ nhanh chóng đạt được kết quả dù vẫn còn tồn tại một số bất đồng lớn. Theo ông, các cuộc đàm phán đang trong giai đoạn cuối cùng, nhưng chưa biết sẽ kéo dài bao nhiêu tuần. Ông Borrell đang có mặt tại Washington để tham dự cuộc họp Hội đồng Năng lượng Mỹ - EU.

Việc Mỹ và Iran cùng các bên liên quan khác bước vào các cuộc đàm phán mang tính quyết định để sớm khôi phục JCPOA là tin tức tốt lành của những ngày đầu năm 2022 nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân của Tehran một cách căn bản, không chỉ có ảnh hưởng tích cực ở khu vực Trung Đông mà cả trên phạm vi toàn cầu.

TUYẾT MINH

.