Quốc tế
Châu Âu thúc đẩy tiến trình tự chủ nguồn cung năng lượng
Căng thẳng hiện nay giữa Nga và Ukraine khiến châu Âu loay hoay tìm lời giải cho bài toán năng lượng khi giá dầu, khí đốt trên thế giới vẫn trên đà tăng nhanh khiến thị trường rơi vào hỗn loạn. Cách thức gia tăng tự chủ về nguồn cung năng lượng bền vững luôn là một trong những chủ đề hàng đầu trên bàn nghị sự, quyết định tương lai của “lục địa già”.
Công nhân làm việc tại công trường xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 ở Nga. Ảnh: Reuters |
Trước khi xung đột xảy ra ở Ukraine, mục tiêu chính sách năng lượng cấp bách nhất của châu Âu là giảm lượng phát thải carbon nhằm chống biến đổi khí hậu. Song giờ đây, các quan chức châu Âu tìm cách nhanh chóng giảm sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên từ Nga. Thực tế này tiếp tục tạo ra xung đột giữa các mục tiêu an ninh và khí hậu mà châu lục này đang theo đuổi.
Thách thức không nhỏ
Châu Âu lâu nay vốn phụ thuộc phần lớn vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga. Theo thống kê của tổ chức tư vấn Bruegel (Bỉ), Nga cung cấp khoảng 40% khí đốt nhập khẩu và 25% dầu thô của EU. Mức độ phụ thuộc ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Trong đó, có một số quốc gia nhập khẩu một lượng khí đốt rất lớn từ Nga, chẳng hạn Đức nhập khoảng 50%, Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia nhập khoảng 60%.
Nord Stream 2 AG, công ty điều hành tuyến đường ống dẫn khí Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) vừa nộp đơn xin phá sản tại Thụy Sĩ do “mất khả năng thanh toán do lệnh trừng phạt của Mỹ” do liên quan đến căng thẳng hiện nay giữa Nga và Ukraine. Trước đó, sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Đức đã dừng quá trình phê duyệt dự án này cho đến khi có thông báo mới. Đường ống được xây dựng từ Nga đến Đức dọc theo đáy biển Baltic với mục đích cung cấp khí đốt trực tiếp cho châu Âu hoàn tất thi công vào tháng 9-2021. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock khẳng định, Nord Stream 2 thực sự đã bị “đóng băng”.
Hãng tin AP cho hay, trong khi một số người đang kêu gọi tẩy chay ngay lập tức tất cả dầu và khí đốt của Nga, thì EU có kế hoạch giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay và chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào cường quốc này trước năm 2030. Hãng tin AP dẫn lời Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni khẳng định, châu Âu có thể hiện thực hóa mục tiêu tham vọng này dù chặng đường trước mắt “sẽ không dễ dàng”.
Để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga càng nhanh càng tốt, châu Âu có khả năng tăng mức tiêu thụ than để giải quyết tình trạng thiếu hụt năng lượng hiện hữu và xây dựng nhiều đường ống cũng như thiết bị đầu cuối để nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch. Nhưng về lâu dài, diễn biến địa chính trị khó lường, thách thức từ biến đổi khí hậu có thể khiến châu Âu “thức tỉnh”, tìm cách giảm mức tiêu thụ dầu, khí đốt và than đá và chuyển sang năng lượng tái tạo dù phải đối mặt nhiều thách thức không nhỏ, qua đó giúp châu lục này thực hiện các cam kết về chống biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh quốc gia.
Hướng đến đa dạng hóa nguồn cung nhiên liệu
Ngày 25-3, Mỹ và EU đã công bố thỏa thuận cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Theo đó, hai bên sẽ thành lập một lực lượng đặc trách về an ninh năng lượng, chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh năng lượng cho Ukraine và EU nhằm chuẩn bị cho mùa đông tới và giai đoạn sau đó, đồng thời hỗ trợ EU đạt mục tiêu chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga. Trong năm nay, Mỹ sẽ cung cấp thêm cho EU 15 tỷ m3 LNG. Lực lượng đặc trách về an ninh năng lượng cũng sẽ phối hợp với các nước thành viên EU để hướng tới mục tiêu từ nay cho đến năm 2030, Washington cung cấp thêm cho EU 50 tỷ m3 LNG/năm.
Việc hạn chế nguồn cung dầu và khí đốt từ Nga cũng có thể thúc đẩy châu Âu tìm kiếm nguồn cung mới ở châu Phi, khu vực còn chưa được khai phá nhiều nhất trên toàn cầu. Theo Reuters, TS Jakkie Cilliers, Trưởng phòng Tương lai và Đổi mới quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu an ninh (Nam Phi) cho hay, bên cạnh tiềm năng năng lượng mặt trời và thủy điện xanh, châu Phi có thể trở thành “điểm nóng” tiếp theo của thế giới về thăm dò năng lượng hóa thạch. Chỉ riêng năm 2021, Angola, Namibia, Ghana, Côte d’Ivoire, Ai Cập, Nam Phi và Zimbabwe đã phát hiện thêm các mỏ dầu và khí đốt mới. Ngoài ra, việc tiếp tục và mở rộng các dự án năng lượng mặt trời ở Bắc Phi cũng có thể là một nguồn năng lượng để châu Âu thay thế hoàn toàn khí đốt từ Nga. Cuộc khủng hoảng cũng có thể kích thích và đa dạng hóa các nền kinh tế đang trì trệ của Bắc Phi, khiến các dự án lớn như dự án thủy điện Grand Inga của Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) trở nên khả thi về mặt thương mại.
Cuộc khủng hoảng cũng đã làm hồi sinh mối quan tâm của Tây Ban Nha trong việc hồi sinh dự án đường ống MidCat, một hệ thống dẫn khí đốt qua dãy núi Pyrenees đến Pháp. Theo Reuters, dự án trị giá 450 triệu Euro (500 triệu USD) này bị bỏ dở vào năm 2019, sau khi Pháp tỏ ra không mấy quan tâm và một nghiên cứu khả thi của châu Âu cho rằng nó không có lợi và không cần thiết. Nếu được xây dựng, đường ống này sẽ cho phép khí đốt nhập khẩu ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha dưới dạng LNG đến các khu vực khác của châu Âu. Theo tờ DW (Đức), Tây Ban Nha sở hữu 6 nhà máy sản xuất LNG và đang xây dựng nhà máy thứ bảy. Quốc gia này cũng đang tìm cách tăng cường liên kết với Nigeria và các nhà cung cấp nguyên liệu thô khác.
THƯ LÊ- KHANG NINH