Quốc tế

EU chưa vội kết nạp Ukraine làm thành viên

09:29, 12/03/2022 (GMT+7)

Các quốc gia Đông Âu và Baltic muốn Liên minh châu Âu (EU) ngay lập tức kết nạp Ukraine làm thành viên. Trong khi đó, Đức, Pháp, Hà Lan ủng hộ việc kết nạp Ukraine nhưng cần bảo đảm quy trình xem xét chặt chẽ thường kéo dài ít nhất vài năm.

Các nhà lãnh đạo EU tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Versailles (Pháp). Ảnh: AP
Các nhà lãnh đạo EU tham dự hội nghị thượng đỉnh ở Versailles (Pháp). Ảnh: AP

Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ngày 10 và 11-3 ở thành phố Versailles của Pháp nóng lên với các vấn đề liên quan Ukraine, trong đó có việc xem xét kết nạp quốc gia này làm thành viên của liên minh. Hãng tin AFP cho biết, trong thông cáo phát đi trước thềm hội nghị, Văn phòng Tổng thống Pháp nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo EU cần đưa ra thông điệp khẳng định tương lai của Ukraine cũng như của Georgia và Moldova là thuộc về đại gia đình châu Âu.

Không có quy trình kết nạp nhanh

Tại hội nghị, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố việc bắt đầu đàm phán cho một nước đang có chiến sự gia nhập EU là không thực tế. Pháp chủ trương thiết lập một thể thức mới giúp EU và Ukraine, Georgia, Moldova xích lại gần nhau hơn thông qua việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, giáo dục, nghiên cứu và chính trị. Pháp sẽ đề xuất châu Âu mời các lãnh đạo của 3 quốc gia này thường xuyên tham dự các cuộc họp quan trọng của khối trong thời gian tới.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng đồng quan điểm với Tổng thống Macron. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Rutte phát biểu rằng, việc Ukraine xin gia nhập EU là quan trọng, nhưng không có quy trình nào cho việc kết nạp nhanh. “Một điều không cần bàn cãi là Hà Lan sẽ luôn bên cạnh Ukraine. Tuy nhiên, không có việc đẩy nhanh quá trình gia nhập bởi phương án là không có”, ông Rutte nói.

Trong khi đó, các quốc gia Đông Âu và Baltic muốn EU ngay lập tức kết nạp Ukraine. Thủ tướng Slovenia Janez Jansa cho biết, đa số các nhà lãnh đạo EU gửi thông điệp mạnh mẽ đến Ukraine rằng, cuối cùng thì quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này sẽ được gia nhập EU. Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda, một trong những nhà lãnh đạo ủng hộ Ukraine nhất trong cuộc khủng hoảng, bày tỏ mong muốn Kiev được công nhận là ứng cử viên chính thức cho tư cách thành viên EU ngay bây giờ.

Ukraine có “Thỏa thuận liên kết” với EU nhưng chưa được công nhận là ứng cử viên chính thức cho tư cách thành viên của khối. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đệ đơn xin gia nhập và thúc giục EU cho phép nước này gia nhập khối ngay lập tức thông qua một thủ tục đặc biệt mới. Song, thực tế, việc gia nhập khối hiện có 27 thành viên là một quá trình phức tạp, kéo dài nhiều năm và đòi hỏi một cam kết đặc biệt từ quốc gia ứng viên với danh mục dài các cải cách theo tiêu chuẩn của EU. Để gia nhập, quốc gia ứng viên cần được tất cả 27 nước thành viên nhất trí thông qua.

2,5 triệu người rời Ukraine

Liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đang diễn ra ở Ukraine, Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 11-3 cho biết, khoảng 2,5 triệu người đã rời quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này. “Số người tị nạn từ Ukraine tính đến hôm nay (11-3) đã lên 2,5 triệu người”, hãng tin AFP dẫn lời Cao ủy về tị nạn của LHQ Filippo Grandi nói. Vị quan chức này cũng ước tính có thêm 2 triệu người khác mất nhà cửa trong cuộc xung đột.
Theo ông Paul Dillon, người phát ngôn Tổ chức Di cư Quốc tế của LHQ, trong số 2,5 triệu người từ Ukraine đi lánh nạn, có 116.000 người là công dân các quốc gia khác. LHQ cũng cho rằng, nếu xung đột tiếp diễn, số người tị nạn từ Ukraine sẽ lên đến 4 triệu người.

Nhiều nước châu Âu đang có các biện pháp hỗ trợ người tị nạn Ukraine như miễn phí vé tàu cho người Ukraine đi từ Ba Lan đến Đức, đơn giản hóa quy trình xét thị thực với người sơ tán từ Ukraine. Phát biểu bên lề Diễn đàn Ngoại giao Antalya diễn ra ngày 11-3 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nói rằng, việc thiết lập hành lang nhân đạo để sơ tán và viện trợ cho người dân là nhu cầu tối thiểu cần phải tiến hành ngay.

THIÊN BÌNH

Hơn 4.500 người Việt đã sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận
Tính đến 16 giờ ngày 11-3, hơn 4.500 người Việt Nam được sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận, cụ thể: khoảng 950 người tại Romania, trong đó có 287 người đã được đưa về nước trên chuyến bay ngày 7-3 và hiện còn 610 người đăng ký nguyện vọng về nước.
Khoảng 2.800 người được đón tại Ba Lan, trong đó 300 người đã được đưa về nước trên chuyến bay ngày 9-3 và hiện còn 500 người đăng ký nguyện vọng về nước; 660 người tại Hungary, hơn 100 người tại Slovakia, khoảng 20 người tại Nga.
TTXVN

 

.