Hy vọng về thỏa thuận hòa bình Nga - Ukraine

.

Những tín hiệu tích cực đã phát đi từ cả phía Nga lẫn Ukraine cho thấy tiến trình đàm phán của hai nước đang có những chuyển biến rõ rệt và đi vào trọng tâm. Giờ là lúc dư luận quốc tế nói nhiều hơn về một thỏa thuận hòa bình (nếu có) sẽ như thế nào để thỏa mãn cả hai bên.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp ngày 15-3 tại thủ đô Kiev với lãnh đạo các nước Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovenia. Ảnh: AFP
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc họp ngày 15-3 tại thủ đô Kiev với lãnh đạo các nước Ba Lan, Cộng hòa Czech và Slovenia. Ảnh: AFP

Báo The Guardian dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, một số nội dung dự thảo cho một thỏa thuận đã gần hoàn tất, trong đó quy chế trung lập cho Kiev đang được cả hai bên xem xét “nghiêm túc”.

Những điều khoản then chốt

Trong bối cảnh giao tranh trên thực địa vẫn căng thẳng, đàm phán giữa Nga và Ukraine đang có những tín hiệu khiến dư luận thế giới có thêm hy vọng. Đài Skynews (Anh) dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay, các yêu cầu của phía Nga đưa ra để kết thúc xung đột cũng đã trở nên “thực tế hơn”. “Một vị thế trung lập đang được thảo luận nghiêm túc đi kèm với các bảo đảm an ninh”, Ngoại trưởng Lavrov nói với kênh truyền hình Nga RBK TV.

“Có những phần được trình bày cụ thể mà theo quan điểm của tôi đang sắp đạt được đồng thuận”, ông Lavrov nói tiếp. Theo Trưởng phái đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky, hai bên đang thảo luận về một ý tưởng chung cho tương lai của Ukraine với một quân đội trung lập có quy mô nhỏ hơn.

Báo Financial Times (FT) cho biết, bản dự thảo 15 điểm để kết thúc xung đột tại Ukraine đã được soạn, bao gồm lệnh ngừng bắn; Nga rút quân khỏi Ukraine, đặc biệt là ở các khu vực miền nam dọc biển Azov và Biển Đen, lãnh thổ nằm về phía đông và phía bắc thủ đô Kiev; trong khi đó, Kiev phải chấp nhận quy chế trung lập và thu gọn lực lượng vũ trang nước này. Tờ báo cũng cho rằng, các nhà đàm phán Nga và Ukraine đã thảo luận về một thỏa thuận đề xuất ở dạng tổng thể nhất lần đầu tiên trong ngày 14-3.

Dẫn 3 nguồn tin liên quan đàm phán, tờ FT cho hay, Ukraine sẽ phải bỏ ý định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều này đã được Tổng thống Zelensky thừa nhận trong cuộc họp với các lãnh đạo Lực lượng viễn chinh liên hợp do Anh dẫn dắt hôm 15-3. Ngoài ra, Kiev sẽ phải cam kết không cho phép đặt các căn cứ quân sự nước ngoài hay điều động vũ khí trên lãnh thổ của họ để được bảo đảm an ninh.

Tuy nhiên, một trong những trở ngại lớn nhất trong đàm phán chính là yêu cầu của Nga với Ukraine về việc Kiev phải công nhận chủ quyền tại các vùng lãnh thổ Crimea và Donbass. Đây là rào cản lớn với bất kỳ thỏa thuận nào.

Không dễ đồng thuận nhanh chóng

Tổng thống Volodymyr Zelensky đã công khai hé lộ việc một hiệp ước về quy chế trung lập có thể đã được đề xuất và ông có quyền làm vậy. Đến lúc này, có 2 điểm đã trở nên rất rõ ràng: Thứ nhất, Nga sẽ không bao giờ cho phép Ukraine trở thành một đồng minh quân sự của phương Tây; thứ hai, phương Tây không điều quân tham chiến hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột này. Thêm vào đó, mong muốn trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU) theo cơ chế đặc cách, nhanh chóng của Ukraine cũng là điều không thực tế, căn cứ trên những điều lệ gia nhập khối của EU.

GS. Marc Weller về luật quốc tế tại Đại học Cambridge (Anh), cựu chuyên gia hòa giải cấp cao của Liên Hợp Quốc và cũng là cố vấn trong nhiều cuộc đàm phán hòa bình nhấn mạnh, có những lý do để tin rằng không thể nhanh chóng đạt được một thỏa thuận hòa bình cho Nga và Ukraine. Những ý kiến còn bày tỏ ngờ vực về sự chân thành trong đàm phán từ cả hai phía là một trong những yếu tố có thể khiến đàm phán không thể nhanh chóng.

Trưởng đoàn đàm phán Ukraine Mykhailo Podolyak nhận định: Để giải quyết xung đột, cần đàm phán trực tiếp giữa hai Tổng thống và đây là vấn đề đang được hai bên thúc đẩy. Cũng theo ông Podolyak, lập trường của Kiev và Moscow vẫn khác biệt, nhưng vị quan chức này bày tỏ tin tưởng có thể đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong vài ngày tới.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.