Quốc tế

Nga mở nhiều hành lang nhân đạo ở Ukraine

08:19, 08/03/2022 (GMT+7)

Quân đội Nga thông báo ngừng bắn và mở hành lang nhân đạo cho dân thường rời khỏi một số thành phố của Ukraine từ 14 giờ ngày 7-3 (giờ Việt Nam).

Những người tị nạn từ Ukraine đến biên giới ở Medyka (Ba Lan) ngày 7-3. Ảnh: AP
Những người tị nạn từ Ukraine đến biên giới ở Medyka (Ba Lan) ngày 7-3. Ảnh: AP

Theo hãng thông tấn TASS của Nga, hành lang nhân đạo được mở tại 4 thành phố của Ukraine gồm: thủ đô Kiev, Kharkov, Sumy và Mariupol. Quyết định này được đưa ra trước thềm vòng đàm phán thứ ba giữa Nga và Ukraine diễn ra ở biên giới Ba Lan - Belarus, đồng thời xuất phát từ tình hình nhân đạo tại các thành phố nói trên và theo yêu cầu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

4 triệu người sẽ rời Ukraine

Theo các bản đồ do hãng thông tấn RIA công bố, hành lang từ Kiev dẫn đến Belarus, dân thường từ Kharkov chỉ có hành lang dẫn tới Nga. Các hành lang từ Mariupol, Sumy dẫn đến các thành phố khác của Ukraine và đến Nga. Giới chức Moscow còn cho hay, dân thường muốn rời Kiev có thể được vận chuyển bằng máy bay đến Nga.

ả Ukraine lẫn Nga ngày 3-3 đều đồng ý mở các hành lang nhân đạo để cho phép dân thường rời khỏi một số khu vực chiến sự. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng, Nga đã rút lại cam kết. Các hành lang nhân đạo được thiết lập tại Mariupol và thành phố Volnovakha đã thất bại trong ngày 5 và 6-3 khi các bên cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn. Vì vậy, kế hoạch thiết lập hành lang nhân đạo ở 4 thành phố Kiev, Kharkov, Sumy và Mariupol đã được gửi đến Liên Hợp Quốc (LHQ), Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi các bên trong cuộc xung đột ở Ukraine ngừng bắn để tạo điều kiện cho dân thường có thể sơ tán an toàn khỏi các thành phố và hàng viện trợ nhân đạo có thể đến được với những người còn bám trụ lại.

Theo dữ liệu do LHQ công bố, hiện có hơn 1,5 triệu người sơ tán tránh xung đột tại Ukraine và dự kiến con số này sẽ tăng lên 4 triệu. Cụ thể, Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) ghi nhận hơn 1,5 triệu người sơ tán qua các đường biên giới của Ukraine, tăng gần 166.000 người so với con số được công bố trước đó 1 ngày.

Người đứng đầu UNHCR, ông Filippo Grandi, nói rằng đây là cuộc khủng hoảng người tị nạn leo thang nhanh nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, khi số người sơ tán qua các đường biên giới tăng lên hơn 1,5 triệu trong 10 ngày qua. Trong số những người tị nạn, ngoài công dân Ukraine còn có công dân các nước Afghanistan, Algeria, Belarus, Ấn Độ, Maroc, Nigeria, Pakistan, Ba Lan, Mỹ... Các quốc gia như Ba Lan, Hungary, Slovakia, Moldova và một số nước Liên minh châu Âu (EU) là điểm dừng chân cho dòng người sơ tán.

Trung Quốc sẵn sàng làm trung gian hòa giải

Phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo giới ở Bắc Kinh ngày 7-3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho biết, nước này hoan nghênh các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga, đồng thời nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẵn sàng đóng vai trò hòa giải. Ông cho biết, Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc sẽ gửi viện trợ khẩn cấp tới Ukraine. “Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để tiến hành hòa giải (căng thẳng Ukraine) khi cần thiết”, hãng thông tấn AFP dẫn lời ông Vương Nghị nói.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tuyên bố công khai trước báo giới quốc tế về việc sẵn sàng làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Trước đó, chính đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell, đã lên tiếng ủng hộ Trung Quốc làm trung gian hòa giải trong xung đột Nga - Ukraine, mặc dù nhiều nước khác đã bày tỏ mong muốn đóng vai trò này như Hungary, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan.

Giá khí đốt tại châu Âu tăng lên 3.600 USD/1.000m3

Hãng tin TASS dẫn số liệu từ sàn giao dịch ICE tại London (Anh) cho biết, trong phiên giao dịch ngày 7-3, giá khí đốt châu Âu vượt ngưỡng 3.600 USD/1.000m3. Như vậy, giá khí đốt trên thị trường châu Âu đã phá vỡ kỷ lục trong 4 ngày giao dịch liên tiếp.

Giá khí đốt liên tục tăng khi các nhà đầu tư thị trường lo ngại về tình hình chiến sự đang diễn ra tại Ukraine. Châu Âu nhập khẩu khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga. Đức nhập khẩu khoảng 50%. Áo, Hungary, Slovenia và Slovakia nhập khoảng 60%.

Chỉ trong vài phút giao dịch đầu ngày 7-3, cả giá dầu Brent và WTI tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 7-2008, với giá dầu Brent vọt lên 139,13 USD/thùng, dầu WTI tăng lên mức 130,5 USD/thùng trước khi giảm nhẹ.

PHÚC NGUYÊN

.