Quốc tế
Nga và Ukraine đàm phán: Cánh cửa ngoại giao vẫn mở
Nga và Ukraine tiến hành vòng đàm phán thứ tư theo hình thức trực tuyến vào ngày 14-3. Hai nước cũng đang thúc đẩy hội nghị thượng đỉnh song phương và Tổng thống Ukraine Vlodymyr Zelensky mô tả cuộc gặp này là “cần thiết cho hòa bình và an ninh”.
Người tị nạn từ Ukraine đến biên giới ở Romania. Ảnh: Getty Images |
Hãng tin Reuters cho biết, vòng đàm phán thứ tư được thực hiện theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh Nga gây sức ép với thủ đô Kiev của Ukraine. Giao tranh vẫn ác liệt và pháo kích tiếp tục diễn ra ở khu vực ngoại ô.
Trọng tâm là thỏa thuận ngừng bắn
Ông Mykhailo Podolyak, thành viên đoàn đàm phán của Ukraine cho biết, vòng đàm phán thứ tư tập trung vào việc đạt được một lệnh ngừng bắn, rút quân và bảo đảm an ninh cho Ukraine. Phía Kiev vẫn yêu cầu một lệnh ngừng bắn trước khi diễn ra các cuộc đàm phán về quan hệ tương lai giữa hai nước.
Theo TASS, Nga theo đuổi 3 điều kiện đặt ra cho Ukraine: công nhận bán đảo Crimea thuộc Nga và “nền độc lập” của hai nước cộng hòa tự xưng là Lugansk và Donetsk (vùng Donbass, miền đông Ukraine); phi phát xít hóa và phi quân sự hóa; không gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, Ukraine chỉ chấp nhận đàm phán khi không có bất kỳ “điều kiện tiên quyết” nào, nghĩa là lập trường của hai nước vẫn khác nhau.
Trong vòng đàm phán thứ tư, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đặt mục tiêu là phái đoàn Ukraine và Nga phải nhất trí về cuộc gặp giữa Tổng thống hai nước nhằm mang đến hòa bình. Ông Zelensky gọi đây là con đường khó khăn, nhưng “cần thiết cho hòa bình và an ninh”. “Phái đoàn của chúng ta có một nhiệm vụ rõ ràng, đó là làm mọi thứ để bảo đảm có một cuộc gặp giữa tổng thống hai nước. Tôi tin chắc đây là cuộc gặp mà người dân đang mong đợi. Đây là con đường khó khăn, nhưng cần thiết cho hòa bình và an ninh”, Tổng thống Zelensky nói.
Theo các nhà quan sát, nhiều tín hiệu cho thấy cả Nga lẫn Ukraine đều tỏ ra tích cực nối lại vòng đàm phán thứ tư, đánh dấu bước tiến triển rõ rệt khi những nỗ lực ngoại giao liên tục được thúc đẩy trong thời gian qua. Ông Zelensky nói rằng, hai bên bắt đầu nói chuyện được với nhau, còn Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó khẳng định đã có những tiến bộ trong các cuộc đối thoại cùng Kiev.
Có thể gặp thượng đỉnh?
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24-2, hai bên đã tiến hành 3 vòng đàm phán ở Belarus. Vòng đàm phán đầu tiên được tổ chức ở vùng Gomel ngày 28-2, kéo dài trong 5 tiếng đồng hồ. Vòng đàm phán thứ hai diễn ra ngày 3-3 tại Belovezhskaya Pushcha, đạt được thỏa thuận về các hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường.
Vòng đàm phán thứ ba diễn ra ở khu vực Brest, cũng thuộc địa phận Belarus vào ngày 7-3. Đến ngày 10-3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp gỡ người đồng cấp Ukraine Dmitry Kuleba bên lề một diễn đàn ngoại giao ở thành phố Antalya (Thổ Nhĩ Kỳ) với sự tham gia trung gian của Ankara. Tại cuộc gặp cấp Ngoại trưởng này, Nga không bác bỏ khả năng sẽ có một cuộc đàm phán trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng phải có sự chuẩn bị cần thiết để có thể đạt một số giá trị cụ thể và giải quyết được vấn đề.
Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, hôm 11-3 phát biểu hàm ý rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo có thể diễn ra sau các cuộc đàm phán của quan chức Nga và Ukraine. Song, chưa rõ ông Peskov ám chỉ vòng đám phán nào.
Trên chiến trường, căng thẳng tại Ukraine vẫn chưa hạ nhiệt, hai bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn tạm thời và gây cản trở cho hoạt động sơ tán của người dân. Tổng thống Zelensky ngày 13-3 một lần nữa thúc giục NATO áp đặt vùng cấm bay tại Ukraine, đồng thời cảnh báo nguy cơ các nước thành viên liên minh quân sự này có thể bị ảnh hưởng trong chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. Kiev đã nhiều lần kêu gọi NATO thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine, nhưng liên minh quân sự này từ chối, bởi việc thiết lập vùng cấm bay như thế sẽ dẫn tới một kịch bản nguy hiểm là đối đầu trực tiếp giữa Nga và NATO.
Dù sao việc Nga và Ukraine không từ bỏ đối thoại cho thấy cánh cửa ngoại giao chưa khép lại. Cuộc gặp thượng đỉnh Nga và Ukraine nếu diễn ra thì có thể sẽ giúp thay đổi cục diện, tiến tới chấm dứt cuộc xung đột.
PHÚC NGUYÊN