Nhiều nước dỡ bỏ biện pháp phòng dịch

.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) báo động về tình trạng ca nhiễm Covid-19 đang tăng đột biến. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng cao, nhiều nước vẫn dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch.

Người dân mang khẩu trang khi đi lại trên đường phố Seoul của Hàn Quốc ngày 17-3. Ảnh: AP
Người dân mang khẩu trang khi đi lại trên đường phố Seoul của Hàn Quốc ngày 17-3. Ảnh: AP

Sau hơn 1 tháng giảm, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu bắt đầu tăng trở lại. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo các đợt bùng dịch với số ca nhiễm tăng vọt sẽ còn tiếp tục, nhất là ở các khu vực đã dỡ bỏ những biện pháp phòng ngừa.

Số ca nhiễm mới tăng cao ở nhiều nước

Pháp công bố hơn 101.000 ca nhiễm mới trong ngày 17-3, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới theo ngày vượt 100.000 ca. Một ngày trước đó, Pháp có thêm 108.000 ca nhiễm.

Tại Áo, các nhà chức trách ghi nhận hơn 58.500 ca nhiễm mới. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong ngày tại quốc gia khoảng 9 triệu dân vượt mốc 50.000 ca kể từ khi dịch bùng phát. Các chuyên gia y tế tại Áo cho biết, số ca nhiễm mới và số bệnh nhân nhập viện sẽ tiếp tục tăng cao từ nay đến cuối tháng 3. Còn Đức có đến gần 295.000 ca nhiễm mới vào ngày 17-3.

Ở châu Á, Hàn Quốc trở thành điểm nóng dịch bệnh với hơn 407.000 ca nhiễm ngày 18-3, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên hơn 8,6 triệu ca. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 301 ca tử vong, nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên hơn 11.700 người, tỷ lệ tử vong là 0,14%. Trước đó một ngày, Hàn Quốc lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới vượt mốc kỷ lục 600.000 ca/ngày.

Tại Trung Quốc, chỉ 3 tuần trước, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ghi nhận số ca nhiễm mới dưới 100 ca/ngày. Vậy mà con số này tăng vượt 1.000 ca/ngày trong tuần qua. Biến thể Omicron đang đặt ra thách thức cho chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc.

Trong khi đó, Lào đối mặt với số ca nhiễm mới ở mức 4 con số, nguyên nhân được cho là sự bùng phát của biến thể Omicron. Với hơn 1.500 ca nhiễm mới vào ngày 18-3, tăng 674 ca so với ngày trước đó, Bộ Y tế Lào giờ đây đang cân nhắc hủy bỏ các lễ hội Tết truyền thống của nước này trong tháng tới nếu mức tăng vẫn tiếp tục.

Mở cửa lại nền kinh tế

Dù số ca nhiễm mới đạt mức kỷ lục nhưng chính phủ Đức vẫn bảo vệ quyết định dỡ bỏ các hạn chế về phòng chống dịch vào ngày 20-3. Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng, quốc gia này đang bước vào một giai đoạn mới của đại dịch. “Giống như các quốc gia láng giềng, chúng ta có thể dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phòng chống dịch”, ông Scholz nói. Theo đó, quy định đeo khẩu trang tại nơi công cộng và hạn chế số lượng khán giả đến sân vận động sẽ được dỡ bỏ. Song, các bang căn cứ vào tình hình dịch bệnh cụ thể của địa phương để có những quy định về phòng dịch riêng.

Chính phủ Ý quyết định giảm bớt một số biện pháp hạn chế và không gia hạn tình trạng khẩn cấp sau ngày 31-3. Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Ý Draghi nói rằng, chính phủ của ông đã thực hiện các bước cơ bản để mở cửa trở lại đất nước, nhưng sẽ theo dõi và đánh giá kỹ tình hình dịch bệnh để sẵn sàng có các biện pháp đối phó.

Chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm tại 18 địa phương, trong đó có thủ đô Tokyo, sau ngày 21-3. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu tháng 1-2022, không có địa phương nào tại Nhật Bản áp dụng tình trạng khẩn cấp hay thực hiện các biện pháp trọng điểm phòng dịch. Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy tiêm chủng, củng cố hệ thống y tế để sẵn sàng đối phó nếu có các làn sóng dịch tiếp theo.

Hàn Quốc cũng đang nới lỏng dần các biện pháp hạn chế nhằm trở lại trạng thái bình thường. Trước dự báo đợt dịch do biến thể Omicron sắp đạt đỉnh, ông Son Young Rae - quan chức y tế cấp cao Hàn Quốc nhận định: “Nếu vượt qua cuộc khủng hoảng này, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến việc trở lại trạng thái bình thường”.

Việc tiêm chủng với tỷ lệ cao tại các quốc gia chính là chìa khóa để mở cửa lại nền kinh tế và biên giới. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo, không thể xem nhẹ nguy cơ tái bùng phát làn sóng lây nhiễm với biến thể phụ BA.2 của Omicron (còn gọi là “Omicron tàng hình”). Các nước cần tiếp tục củng cố hệ thống y tế và người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản như sát khuẩn, đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người, tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa Covid-19 và tiêm mũi tăng cường...

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.