Quốc tế

Thế giới tuần qua: Số ca mắc mới Covid-19 tăng tại Á-Âu; động đất mạnh ở Nhật Bản

07:51, 20/03/2022 (GMT+7)

Số ca mắc mới Covid-19 tăng mạnh tại nhiều quốc gia châu Âu, châu Á và trận động đất có độ lớn 7,4 xảy ra tại Nhật Bản là những vấn đề được dư luận thế giới quan tâm trong tuần qua.

Số ca mắc mới Covid-19 tăng từ châu Âu đến châu Á

Trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 đã tăng tại nhiều quốc gia châu Âu. Cùng thời điểm, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đều ghi nhận tình trạng tăng vọt các ca mắc mới.

Nhân viên y tế vận chuyển một bệnh nhân từ xe cấp cứu tại bệnh viện ở Hong Hong (Trung Quốc) ngày 4/3. Ảnh: AP
Nhân viên y tế vận chuyển một bệnh nhân từ xe cấp cứu tại bệnh viện ở Hong Hong (Trung Quốc) ngày 4-3. Ảnh: AP

Tờ Forbes (Mỹ) cho biết số trường hợp tử vong vì Covid-19 tại một số quốc gia châu Âu cũng đang theo đà tăng trong đó có Anh, Thụy Điển, Slovakia, Ireland và Iceland. Các chuyên gia nhận định với Forbes rằng số ca mắc Covid-19 tăng tại châu Âu nhiều khả năng bắt nguồn từ việc nới lỏng các hạn chế phòng dịch, suy giảm khả năng miễn dịch và biến thể phụ "tàng hình" BA.2 của Omicron.

Ngay cả khi số ca mắc mới tăng, nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Anh, Đan Mạch, Thụy Điển, Hà Lan, Pháp và Thụy Sĩ đã gỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch Covid-19. Giới chức nhiều nước trong khu vực lập luận rằng họ đưa ra quyết định dựa trên sự sẵn có của vắc-xin, phương pháp điều trị và tỷ lệ bệnh nặng do biến thể Omicron khá thấp.

Theo các chuyên gia y tế, nếu người dân không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, giãn cách xã hội thì "biến thể tàng hình" có thể lây lan nhanh chóng trong cộng đồng.

Hong Kong với 7,4 triệu dân vào ngày 18-3 ghi nhận 20.079 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại đặc khu hành chính này từ khi dịch bùng phát là hơn 1 triệu. Gần 97% trong số này bắt nguồn từ làn sóng dịch hiện nay tại Hong Kong, bùng phát từ tháng 12-2021.

Tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tại Hong Kong là 1/20 ca nhiễm, được coi là khá cao. Trên 80% dân số Hong Kong đã tiêm tối thiểu 1 liều vắc-xin phòng Covid-19 và trên 30% đã được tiêm mũi thứ ba. Nhưng mới chỉ có 37% trong nhóm trên 80 tuổi đã tiêm vắc-xin Covid-19 trong khi đây được coi là nhóm nhiều rủi ro nhất.

Trung Quốc vào ngày 19-3 ghi nhận hai trường hợp tử vong vì Covid-19 tại tỉnh Cát Lâm. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1-2021 nước này có trường hợp tử vong vì Covid-19. Cũng trong ngày 19-3, Trung Quốc ghi nhận 2.157 ca mắc mới Covid-19 lây truyền trong cộng đồng, chủ yếu tại Cát Lâm.

Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng dịch tồi tệ nhất kể từ cuối năm 2019. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 17-3 tuyên bố nước này sẽ gắn bó với chiến lược “zero Covid”- mục tiêu đưa số ca nhiễm mới về con số 0.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 15/3. Ảnh: AP
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 15-3. Ảnh: AP

Hàn Quốc ghi nhận kỷ lục 600.000 ca mắc mới Covid-19 vào hôm 17-3. Đến ngày 18-3, số ca mắc mới Covid-19 tại Hàn Quốc đã giảm còn 381.454 trường hợp. Mặc dù đang có số ca mắc Covid-19 mới/ngày thuộc nhóm cao nhất thế giới, thì tỷ lệ tử vong giảm đã khiến Chính phủ Hàn Quốc cân nhắc nới lỏng thêm các hạn chế liên quan đến dịch Covid-19. Hàn Quốc chỉ ghi nhận tỷ lệ tử vong 0,14%, bằng 1/10 so với Mỹ và Anh, và giảm so với mức 0,88% của 2 tháng trước, mặc dù cùng thời điểm số ca mắc mới tăng đến 8 lần.

Trong bối cảnh số ca nhiễm biến thể Omicron đang tăng mạnh, Chính phủ Hàn Quốc cũng quyết định bổ sung thêm 120 cơ sở y tế chuyên trách tư vấn và ứng phó 24/24 giờ cho nhóm ca nhiễm cần quản lý tập trung.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), tính đến 17-3, đã có 32,34 triệu người Hàn Quốc, tương đương 63% dân số đã tiêm mũi vắc-xin Covid-19 bổ sung.

Người phát ngôn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Margaret Harris vào ngày 18-3 đã trích dẫn dữ liệu về các ca mắc mới Covid-19 tăng trong tuần qua và nhận định rằng sẽ còn rất lâu đại dịch này mới kết thúc. Bà bổ sung: “Chúng ta chắc chắn đang ở giữa đại dịch”.

Trước đó, WHO từng đề cập rằng giai đoạn cấp tính của đại dịch có thể kết thúc trong năm nay nhưng nó còn phụ thuộc vào việc chúng ta có nhanh chóng đạt được mục tiêu tiêm vắc-xin Covid-19 cho 70% dân số các quốc gia.

Động đất mạnh tại Fukushima

Trận động đất độ lớn 7,4 đã xảy ra tại bờ biển Fukushima ở miền Bắc Nhật Bản vào tối 16-3 khiến 4 người thiệt mạng, 97 người bị thương.

Nhân viên dọn dẹp hàng hóa rơi khỏi kệ tại một cửa hàng tiện lợi ở Fukushima sau trận động đất. Ảnh: AP
Nhân viên dọn dẹp hàng hóa rơi khỏi kệ tại một cửa hàng tiện lợi ở Fukushima sau trận động đất. Ảnh: AP

Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết trận động đất có độ sâu tâm chấn 60 km. Khoảng 1 giờ 30 phút sau khi xảy ra động đất, sóng thần cao 0,2m đã xảy ra dọc bờ biển tỉnh Miyagi (Nhật Bản). Nhật Bản đến sáng 17-3 đã hủy bỏ cảnh báo sóng thần.

Cũng tại Fukushima cách đây 11 năm, động đất độ lớn 9 kèm sóng thần đã gây ra thiệt hại lớn.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida vào sáng 17-3 xác nhận đã mở điều tra về 4 trường hợp tử vong.

Trên 2,2 triệu hộ gia đình tại 14 tỉnh ở Nhật Bản, trong đó có Tokyo, đã mất điện do động đất. Một tàu cao tốc Shinkansen chở trên 100 hành khách đã trật bánh gần Fukushima do động đất nhưng may mắn là không có người bị thương trong vụ việc.

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) đã điều nhân lực đến nhiều khu vực của 2 tỉnh Miyagi và Fukushima để cung cấp nước sạch cho người dân. Riêng tại khu vực Semine thuộc thành phố Kurihara, tỉnh Miyagi, có khoảng 1.500 hộ gia đình không có nước sử dụng. SDF đã lập một trạm cấp nước vào sáng 18-3 tại khu vực này.

Vào 11 giờ 25 phút tối 18-3 đã xảy ra trận động đất độ lớn 5,6 tại tỉnh Iwate. Không có cảnh báo sóng thần liên quan đến vụ động đất này. Khoảng 2.200 hộ gia đình đã tạm thời mất điện sau trận động đất này.

Theo Báo Tin tức

.