An ninh lương thực toàn cầu bị đe dọa

.

Cuộc xung đột tại Ukraine không chỉ dẫn đến khủng hoảng năng lượng hay kim loại, mà còn đe dọa nghiêm trọng nguồn cung lương thực, thực phẩm khi hàng chục quốc gia từ Trung Đông, Nam Á đến Bắc Phi vẫn phải lệ thuộc vào nguồn cung lúa mì, ngô và dầu thực vật của Moscow và Kiev.

Theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), đến cuối năm 2022, có tới 44 triệu người ở 38 quốc gia phải chịu tình trạng khẩn cấp về mất an ninh lương thực. Đây là một thách thức không nhỏ đối với các nỗ lực xóa đói, giảm nghèo của Liên Hợp Quốc.

Trong một cảnh báo mới đây, Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu nhấn mạnh: Gián đoạn sản xuất nông nghiệp ở Nga và Ukraine do chiến sự có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu. Hiện tại, Nga là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, trong khi Ukraine đứng thứ 5. Cả hai nước xuất khẩu 19% nguồn cung lúa mạch, 14% lúa mì và 4% ngô của thế giới, chiếm hơn 1/3 lượng ngũ cốc xuất khẩu toàn cầu. Nga và Ukraine cũng là nhà cung cấp phân bón hàng đầu thế giới. Xung đột có thể khiến các hoạt động nông nghiệp của hai nhà xuất khẩu những mặt hàng thiết yếu nói trên bị gián đoạn nghiêm trọng. Điều này đặc biệt tác động đến khoảng 50 quốc gia phụ thuộc vào Nga và Ukraine về nguồn cung lúa mì. Vì vậy, FAO cảnh báo về “một cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có”, đáng nói là hiện chưa có quốc gia nào có thể bù đắp được lượng lúa mì xuất khẩu của Moscow và Kiev. 

Hãng tin Bloomberg ngày 5-4 dẫn lời các nhà phân tích cho rằng, hoạt động buôn bán ngũ cốc toàn cầu có nguy cơ bị gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột tại Ukraine. Các chuyến giao hàng từ Ukraine và Nga, vốn chiếm khoảng 1/4 kim ngạch thương mại ngũ cốc toàn cầu (khoảng 120 tỷ USD), đang trở nên khó khăn hơn, làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực. Chẳng hạn, khó khăn về hậu cần trên biên giới với Romania, Hungary, Slovakia và Ba Lan khiến Ukraine chỉ có thể xuất sang châu Âu 600.000 tấn ngũ cốc/tháng, thay vì 5 triệu tấn ngũ cốc/tháng như trước đây.

Từ ngày 15-2 đến 30-6, theo kế hoạch, Nga bán ra nước ngoài 11 triệu tấn ngũ cốc, trong đó có 8 triệu tấn lúa mì. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây hầu như không ảnh hưởng đến mặt hàng này, nhưng gần 90% lượng ngũ cốc được vận chuyển ra thị trường nước ngoài qua cảng Novorossiysk và phần lớn các tuyến hàng hải ở Biển Đen bị đóng cửa.

Người đứng đầu Liên minh Nông dân Đức, ông Joachim Rukvid, cũng cho hay giá lúa mì tại nước này đã tăng đáng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và mức giá cao sẽ được duy trì.

Theo ông Artyom Deev, Trưởng bộ phận phân tích của AMarkets, nguồn cung ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác từ Nga và Ukraine giảm đáng kể sẽ khiến giá lúa mì, dầu hướng dương, đường và các hàng hóa khác tăng lên.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5-4 nói rằng, trong bối cảnh thiếu lương thực trên toàn cầu, trong năm nay, chúng ta sẽ phải thận trọng với các nguồn cung nước ngoài và giám sát cẩn thận hoạt động xuất khẩu lương thực tới những nước có thái độ thù địch.

Theo FAO, giá lương thực thế giới đã tăng cao kỷ lục 20,7% trong tháng 2-2022 so với cùng kỳ năm ngoái và nhiều thị trường tiếp tục ghi nhận đà tăng giá trong tháng 3-2022. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng và logistics đối với sản xuất ngũ cốc, hạt có dầu của Ukraine và Nga cũng như các hạn chế đối với xuất khẩu của Moscow và nhiều nước khác sẽ gây ra những hậu quả đáng kể về an ninh lương thực.

Như vậy, cùng với khủng hoảng năng lượng, nguồn lương thực cũng đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt trầm trọng được cho là bắt nguồn từ sự bất ổn về địa chính trị. Tình hình được dự báo có thể còn nghiêm trọng hơn nữa nếu những vấn đề về chuỗi cung ứng và cuộc khủng hoảng tại Ukraine không sớm lắng dịu.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.