Quốc tế

EU - Trung Quốc xoay xở tháo gỡ bất đồng để duy trì quan hệ song phương

08:29, 02/04/2022 (GMT+7)

Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc lần thứ 23 diễn ra ngày 1-4 (giờ Brussels) bằng hình thức trực tuyến. Đây là cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai bên sau hơn 2 năm, tạo cơ hội cho các bên đối thoại tháo gỡ những bất đồng còn tồn đọng và duy trì trong quan hệ song phương. Song, xung đột tại Ukraine đã phủ bóng lên sự kiện quan trọng lần này trong bối cảnh châu Âu đang tìm cách gia tăng sức ép với Nga thì Trung Quốc vẫn kiên định lập trường duy trì hợp tác thương mại với Moscow.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại cuộc thảo luận trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc, ngày 1-4. Ảnh: AP
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại cuộc thảo luận trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU - Trung Quốc, ngày 1-4. Ảnh: AP

Theo hãng tin Reuters, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cùng Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell có buổi thảo luận với Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 31-3 ở Brussels (Bỉ), đại diện Cơ quan đối ngoại EU (EEAS) cho biết, hội nghị tập trung thảo luận chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, cuộc khủng hoảng nhân đạo và tác động đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, an ninh toàn cầu và nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc cũng thảo luận về cách thức bảo đảm quan hệ thương mại trên cơ sở hợp tác cùng có lợi; đồng thời trao đổi quan điểm về các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, gồm biến đổi khí hậu, y tế, nhân quyền, phục hồi kinh tế sau đại dịch, các vấn đề trong khu vực...

Hãng tin AP cho hay, trong hội nghị lần này, liên minh 27 quốc gia nỗ lực tìm kiếm sự bảo đảm chắc chắn rằng Bắc Kinh sẽ không hỗ trợ Nga lách các lệnh trừng phạt kinh tế. Trong khi đó, tại cuộc họp giao ban ngày 1-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nhắc lại lập trường của nước này về việc phản đối việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga vì điều này sẽ “không giúp giải quyết vấn đề và thậm chí sẽ tạo ra căng thẳng mới”. Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh: “Trung Quốc không tán thành việc giải quyết các vấn đề thông qua các biện pháp trừng phạt và chúng tôi càng phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương”.

Trung Quốc và EU đang nỗ lực tháo gỡ các bất đồng lớn, đặc biệt là quan điểm khác biệt về căng thẳng hiện giờ ở Ukraine, nhằm duy trì mối quan hệ thương mại song phương vốn đang thể hiện sự vững vàng trước những tác động tiêu cực của Covid-19.

Năm 2021, Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của EU, với kim ngạch thương mại song phương đạt mức cao kỷ lục (tăng 27,5% so với cùng kỳ năm 2020, lên mức 828,1 tỷ USD), trong khi đầu tư hai chiều vượt 270 tỷ USD. Trong năm ngoái, EU cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc và trong hai tháng đầu năm nay, EU vượt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để vươn lên vị trí đứng đầu.

Thương mại song phương tăng đáng kể trong nhiều lĩnh vực như hàng không vũ trụ, sinh học, hiệu ứng quang điện, điện tử và các lĩnh vực khác. Tháng 3-2021, một thỏa thuận giữa EU và Trung Quốc về bảo hộ trên 500 chỉ dẫn địa lý của hai bên chính thức hiệu lực. Một trong những mặt hàng được hưởng lợi đầu tiên là rượu vang được sản xuất trên đảo Samos của Hy Lạp. Trong năm ngoái, số tàu hàng vận chuyển giữa Trung Quốc và châu Âu đạt 15.000 chuyến, vận chuyển khối lượng hàng hóa tương đương 1,46 triệu container 20 feet, tăng tương ứng 22% và 19% so với năm 2020.

Theo Reuters, hai bên đã nâng cấp và mở rộng các kênh trao đổi như Đối thoại Kinh tế và Thương mại Cấp cao EU-Trung Quốc, cũng như tham vấn định kỳ giữa chính phủ và doanh nghiệp. Trung Quốc và châu Âu là những thị trường lớn cùng có chung lợi ích chiến lược trong hợp tác phát triển xanh và kỹ thuật số, có những cam kết tham vọng về những lĩnh vực này. Khi kinh tế toàn cầu đang đối mặt với sự không chắc chắn gia tăng và tăng trưởng yếu do đại dịch, hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và EU có thể đóng vai trò đối trọng, góp phần đưa đến sự ổn định. Quan hệ hợp tác thương mại giữa Trung Quốc và EU đã cho thấy sự vững vàng trước những tác động tiêu cực của đại dịch.

Giới quan sát nhận định, với hàng loạt bất đồng giữa hai bên, việc phê chuẩn Hiệp định đầu tư EU - Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục bị “đóng băng”, dù từng có hy vọng đột phá trong vấn đề này trong 6 tháng đầu năm nay khi nước Pháp giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu.

THƯ LÊ - KHANG NINH

.