Không chỉ người dân Pháp đang "nín thở" theo dõi vòng 2 cuộc bầu cử diễn ra vào Chủ nhật (24-4) với sự đối đầu giữa Tổng thống đương nhiệm Emmanuel Macron và ứng cử viên Marine Le Pen cực hữu, mà phần lớn thế giới cũng đang chú ý đến sự kiện này.
Công dân Pháp ở Burbank, California đăng ký đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống của Pháp ngày 23-4. Ảnh: AFP |
Theo bình luận của chuyên gia phân tích Andrew Hammond tại Trường Kinh tế London (Anh), cuộc bầu cử tại Pháp sẽ ảnh hưởng đến định hướng tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai của khu vực đồng tiền chung âu Âu (Eurozone). Bên cạnh đó, nước này còn là quốc gia EU duy nhất có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và sở hữu vũ khí hạt nhân.
Trong khi ông Macron đang chiếm ưu thế trong các cuộc thăm dò trước thềm cuộc bỏ phiếu, bà Le Pen vẫn có thể tạo ra một bất ngờ làm rung chuyển xu hướng chính trị ở châu Âu và phần còn lại của thế giới. Cuộc bầu cử này này có thể sẽ định hình lại bản sắc của Pháp sau chiến tranh và cho thấy chủ nghĩa dân túy châu Âu sẽ tiếp tục phát triển hay đang suy tàn.
Bà Le Pen được cho là người ủng hộ Tổng thống Nga Putin và theo chủ nghĩa dân túy. Bà thậm chí còn đặt nghi vấn về sự cần thiết của NATO, khẳng định rằng Liên minh quân sự này đang tồn tại để phục vụ “các mục tiêu của Washington ở châu Âu” và thay vào đó kêu gọi quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.
Với quan điểm ủng hộ Frexit (Pháp rời khỏi Eurozone và rộng hơn là EU), điều này cũng sẽ có tác động ngắn hạn đáng kể đối với đồng tiền chung châu Âu. Bất kể đánh giá thận trọng của thị trường, chiến thắng của ứng cử viên Le Pen sẽ khiến đồng Euro mất giá trị đáng kể so với USD và một số đồng tiền chủ chốt khác.
Tuy nhiên, trong trường hợp ông Macron giành chiến thắng, những thay đổi cũng có thể sẽ xuất hiện. Sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và sự hợp tác của AUKUS giữa Anh, Mỹ và Australia, nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron sẽ đánh dấu khả năng gia tăng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng châu Âu. Bên cạnh đó, chiến thắng của ông Macron sẽ còn là một động lực cho nền chính trị tự do ở không chỉ ở Pháp mà còn ở phạm vi quốc tế.
Dưới thời Tổng thống Macron, chi tiêu quốc phòng của Pháp đã tăng 7 tỷ Euro với mục tiêu đạt 2% GDP. Trong nhiệm kỳ thứ hai, có thể ông Macron sẽ muốn xây dựng một phản ứng chung của châu Âu đối với tình hình Ukraine.
Ngoài vấn đề trên, chiến thắng của Tổng thống Macron cũng là một biểu tượng chính trị rộng lớn hơn. Mặc dù có lo ngại rằng sự ủng hộ đối với phe cực hữu trong cuộc bầu cử vòng một của Pháp chiếm hơn 30%, nhưng nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron sẽ thách thức sự phát triển của chủ nghĩa dân túy ở nhiều nước công nghiệp phát triển.
Do đó, một chiến thắng của ông Macron sẽ có ý nghĩa vượt ra ngoài nước Pháp vì nó sẽ nhấn mạnh lực lượng chính trị trung tâm truyền thống vẫn có khả năng đánh bại các lực lượng dân túy. Theo đó, các chính trị gia thuộc phe chính trị truyền thống sẽ có sự nhìn lạc quan hơn, hướng tới tương lai để giải quyết các thách thức chính sách phức tạp, dài hạn như giải quyết vấn đề mức sống suy giảm, giúp xây dựng niềm tin của công chúng vào các giải pháp của họ. Pháp đã phải trải qua sự trì trệ kinh tế trong nhiều năm, khiến người dân bất bình với hiện trạng, được thể hiện không chỉ ở 30% cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên cực hữu mà còn hơn 20% bỏ phiếu cho ứng cử viên cực tả trong cuộc bầu cử vòng 1.
Tóm lại, ông Hammond cho rằng, một chiến thắng tiềm năng của ông Macron sẽ là một động lực mới cho phe chính trị tự do ở không chỉ ở Pháp mà còn trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng phe cực hữu vẫn đang rất mạnh. Vì vậy, nhiệm kỳ thứ hai của ông Macron có thể là chìa khóa để xác định hướng đi lâu dài hơn trong nền chính trị Pháp, cũng như thế giới trong tương lai.
Theo Báo Tin tức