Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khẳng định mong muốn hòa đàm với Nga để kết thúc chiến tranh.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba phát biểu với báo chí khi đến tham dự cuộc họp các Ngoại trưởng NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 7-4. Ảnh: AP |
Theo hãng thông tấn quốc gia Ukrinform của Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng, tiến trình đàm phán giữa Kiev và Moscow sẽ tiếp tục diễn ra. Vòng đàm phán trước đó đã được tổ chức tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29-3 được cho là đạt “những bước tiến quan trọng”. Liên Hợp Quốc cũng bày tỏ hy vọng hai bên sớm cụ thể hóa “những bước tiến quan trọng” này bằng những thỏa thuận và hành động rõ ràng. Đây là cơ sở để Nga và Ukraine tiếp tục đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn 1 tháng qua.
“Còn chặng đường dài phía trước”
Phát biểu với kênh truyền hình Haberturk, Tổng thống Zelensky khẳng định: “Trong mọi trường hợp, chúng tôi phải tìm ra những cơ hội, dù là nhỏ, cho tiến trình đàm phán. Nếu không có tiến trình này, tôi cho rằng khó có thể kết thúc chiến tranh”. Ông Zelensky nhấn mạnh tầm quan trọng trong sứ mệnh trung gian hòa giải của các quốc gia khác, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, đối với tiến trình đàm phán.
Trong một động thái thúc đẩy vai trò trung gian hòa giải, Thủ tướng Hungary Viktor Orban mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tham gia đàm phán ở Hungary với sự tham gia của Tổng thống Ukraine Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Thủ tướng Orban cho hay, mục đích của cuộc đàm phán tại Hungary là các bên tiến tới lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng “còn chặng đường dài phía trước”. Theo ông Peskov, Nga đã thể hiện thiện chí khi rút quân khỏi các vị trí ở miền bắc Ukraine nhằm tạo không khí tích cực cho cuộc đàm phán với Kiev.
Hãng thông tấn TASS ngày 7-4 dẫn lời ông Peskov cho biết, Nga không loại trừ khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với phương Tây nếu những nước này tiếp tục trục xuất các nhà ngoại giao của Moscow. “Việc trục xuất các nhà ngoại giao là quyết định đóng lại các mối quan hệ ngoại giao”, ông Peskov nói với kênh truyền hình LCl của Pháp. Chỉ trong vòng 48 giờ tính từ ngày 4-4, hơn 200 nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán Nga ở một số nước châu Âu như Ý, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Đức, Pháp đã bị trục xuất.
Mỹ có thể không dự họp G20 nếu có Nga
Hãng tin AP cho biết, tại phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ Tài chính Mỹ ngày 6-4, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho rằng, nên loại Nga khỏi nhóm 20 nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20). Vị quan chức này khẳng định Washington sẽ tẩy chay một số cuộc họp G20 nếu có các quan chức Nga tham dự, kể cả Hội nghị thượng đỉnh G20 ở đảo Bali của Indonesia dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Theo hãng tin Bloomberg, các quan chức Mỹ tranh luận về việc Tổng thống Joe Biden có thể không tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Indonesia nếu Tổng thống Putin cũng có mặt trong sự kiện này. Hôm 24-3, ông Biden phát biểu rằng, nên loại Nga khỏi G20.
Năm 2014, sau khi sáp nhập bán đảo Crimea, Nga đã bị loại khỏi G8 và G8 hiện chuyển thành G7 (gồm Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Ý, Canada và Nhật Bản). Tuy nhiên, việc loại Nga khỏi G20 được cho là sẽ phức tạp hơn. G20 có vai trò quan trọng trong việc ổn định hệ thống kinh tế và tài chính toàn cầu. Đề xuất loại Nga khỏi G20 cần có sự đồng thuận của toàn bộ nước thành viên. Ông Dmitry Peskov lý giải, G20 là một định dạng đa phương và một số quốc gia tuân thủ lập trường độc lập đối với Nga, bất chấp sức ép của Mỹ, nghĩa là sẽ khó loại Moscow khỏi nhóm này.
Hồi đầu tháng 4, Trung Quốc bày tỏ phản đối những lời kêu gọi loại Nga khỏi G20. Ngoại trưởng Trung Quốc nhấn mạnh: G20 cần tập trung vào điều phối chính sách kinh tế vĩ mô, không nên chia rẽ và không nên bị chính trị hóa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cũng nêu rõ: “G20 là diễn đàn chính cho hợp tác kinh tế quốc tế. Nga là một thành viên quan trọng và không thành viên nào có quyền trục xuất nước khác”.
PHÚC NGUYÊN