Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo chưa thể coi Covid-19 là bệnh đặc hữu và những đợt dịch lớn vẫn có nguy cơ cao bùng phát trên toàn cầu.
Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách từ ngày 18-4, trừ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở trong nhà và ngoài trời. TRONG ẢNH: Người dân đeo khẩu trang ở ga tàu điện ngầm tại Seoul (Hàn Quốc) ngày 15-4. Ảnh: AP |
Hãng tin AFP dẫn lời TS. Michael Ryan, Giám đốc các chương trình khẩn cấp của WHO nhận định, sẽ là sai lầm nếu nghĩ rằng khi đại dịch Covid-19 dần hạ nhiệt và trở thành bệnh đặc hữu thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Theo ông Ryan, chưa thể chắc chắn về số phận của virus và đại dịch vẫn chưa lắng xuống để trở thành loại bệnh theo mùa hay bệnh truyền nhiễm thông thường, trái lại còn có khả năng bùng phát các đợt dịch lớn.
Ông Ryan lý giải: Bệnh đặc hữu không đồng nghĩa với mọi thách thức sẽ chấm dứt. Vị quan chức của WHO còn dẫn chứng bệnh lao và sốt rét là những căn bệnh đặc hữu nhưng vẫn khiến hàng triệu người tử vong mỗi năm. Theo ông Ryan, thông thường các bệnh dịch sẽ lắng xuống và có diễn biến đặc hữu, tập trung vào một bộ phận người dân. Các bệnh dịch thường có thể trở thành những căn bệnh ở trẻ em, tương tự bệnh sởi và bệnh bạch hầu. Song, nếu tỷ lệ tiêm chủng giảm thì các đợt dịch có nguy cơ bùng phát trở lại.
Trong khi đó, theo bà Maria Van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật về Covid-19 của WHO, SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan mạnh trên toàn cầu. “Chúng ta vẫn đang sống giữa đại dịch, đó là điều không ai mong muốn. Nhưng chúng ta chưa thể tiến tới giai đoạn đại dịch trở thành bệnh đặc hữu”, bà Maria Van Kerkhove nói.
Tính đến ngày 15-4, thế giới ghi nhận hơn 503 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 6,2 triệu ca tử vong. Tại Mỹ, theo AP, biến thể Omicron dòng phụ BA.2 đang thay thể biến thể mẹ và trở thành biến thể lây nhiễm chủ đạo. Biến thể mới dường như làm gia tăng số ca nhiễm sau tiêm và công tác điều trị cũng trở nên khó khăn hơn. Các chuyên gia cảnh báo nước Mỹ có thể chứng kiến 30.000 - 100.000 ca tử vong mới từ nay đến cuối năm, chủ yếu phụ thuộc vào những gì sẽ xảy ra với các biến thể trong tương lai.
Trước nguy cơ những biến thể mới của SARS-CoV-2 tiếp tục xuất hiện, TS. Michael Ryan Ryan kêu gọi các nước tiếp tục nâng cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với nguy cơ làn sóng dịch mới.
Trong lúc đó, một số nước trở lại cuộc sống bình thường hoặc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch. Hãng thông tấn Yonhap cho hay, Hàn Quốc quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách từ ngày 18-4, trừ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở trong nhà và ngoài trời. Như vậy, xứ sở kim chi chính thức trở lại cuộc sống thường nhật, kết thúc 757 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách. Số ca nhiễm mới được ghi nhận hằng ngày của Hàn Quốc đã giảm xuống dưới 100.000 ca vào tuần trước, giảm từ mức cao nhất là 620.000 ca hồi giữa tháng 3.
Bộ Y tế Myanmar cũng đề nghị chính phủ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đối với các hoạt động tập trung đông người từ ngày 17-4, tăng số lượng người được tham gia các sự kiện từ 200 người lên 400 người khi số ca nhiễm mới cùng số ca tử vong giảm đáng kể.
Tại châu Phi, theo AP, số ca nhiễm mới giảm 16% từ ngày 11-3 đến 10-4 so với một tháng trước đó, số ca tử vong cũng giảm trung bình 2%. Một số nước ở châu Phi đang nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, với việc các biến thể phụ mới của Omicron là BA.4 và BA.5 đã được phát hiện ở Botswana và Nam Phi, WHO kêu gọi các quốc gia “lục địa đen” cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích của việc áp đặt các biện pháp phòng dịch; nhanh chóng tái áp đặt lại các biện pháp này nếu dịch bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
THIÊN BÌNH