Nếu tra cụm từ “American school shooting” (xả súng trường học Mỹ) trên Google, chỉ trong 59 giây sẽ cho ra 2,13 tỷ kết quả với đủ loại thông tin liên quan. Chuyện không mới nhưng cứ mỗi lần xảy ra đều làm nước Mỹ và cả thế giới bàng hoàng.
Nhiều người, trong đó có gia đình các nạn nhân vụ xả súng ở Trường tiểu học Robb, tham gia lễ cầu nguyện tại thị trấn Uvalde, bang Texas (Mỹ) ngày 25-5 (giờ địa phương). Ảnh: AP |
Vì sao bạo lực súng đạn cứ mãi tái diễn? Vì sao những đứa trẻ vô tội chết một cách vô lý như vậy? Vì sao những vũ khí chết người có thể được sở hữu tự do và thiếu kiểm soát? Vì sao và vì sao…? Rồi cũng như bao lần khác, truyền thông Mỹ lại xới lên sôi nổi câu chuyện cần hành động để tăng cường kiểm soát súng đạn.
Hối thúc Quốc hội Mỹ hành động
Vụ xả súng tại Trường tiểu học Robb ở thị trấn Uvalde, bang Texas vào chiều 24-5 (giờ địa phương) làm 21 người chết, trong đó có 19 học sinh và 2 giáo viên, và vụ xả súng đẫm máu khác trước đó 10 ngày cướp đi sinh mạng của 10 người tại thành phố Buffalo, bang New York, gióng lên hồi chuông báo động. Quốc hội Mỹ giờ đây đứng trước áp lực phải nêu vấn đề kiểm soát súng đạn. Các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ xúc tiến lộ trình bỏ phiếu sớm nhất vào ngày 26-5 về dự luật siết chặt kiểm tra lý lịch với người mua súng vốn đã được Hạ viện thông qua. Đảng Dân chủ kiểm soát cả Thượng viện lẫn Hạ viện và Nhà Trắng, nhưng đến nay vẫn không thể thúc đẩy bất cứ quy định nào về kiểm tra lý lịch của người sở hữu súng.
Theo AP, dự luật nói trên sẽ mở rộng việc kiểm tra lý lịch tội phạm với người mua súng trên Internet và tại các buổi triển lãm súng, đồng thời kéo dài thời gian cấp phép với những người này để Cục Điều tra Liên bang (FBI) điều tra thêm.
Khoảng 40 bang của Mỹ có điều khoản trong hiến pháp bang tương tự điều khoản trong Tu chính án thứ hai của Hiến pháp nước Mỹ quy định về quyền được sở hữu và mang theo vũ khí của người dân. Các luật liên quan súng đạn khác của Mỹ ở các bang khác nhau và độc lập với luật liên bang, dù đôi khi có những điều khoản mang nội hàm rộng hay hẹp hơn so với luật liên bang.
Các vụ xả súng hàng loạt đã cướp đi sinh mạng hàng trăm người Mỹ trong vài chục năm qua. Những vụ việc này xảy ra ở bất cứ nơi đâu, từ cửa hàng, siêu thị, rạp hát, công sở…, nhưng khi xảy ra ở trường học thì gây đau đớn và phẫn nộ nhất bởi nạn nhân là các thanh, thiếu niên hoặc các em nhỏ và các thầy cô giáo.
Nếu định nghĩa một vụ xả súng hàng loạt là vụ việc có từ 4 người thiệt mạng trở lên (không tính hung thủ trong trường hợp kẻ này bị bắn hạ), theo đài ABC (Mỹ), đến nay đã có 169 người chết trong 14 vụ thảm sát như vậy có liên quan các trường phổ thông và đại học ở Mỹ. Đây là thống kê của hãng tin AP, báo USA Today và Đại học Northeastern, tính từ vụ xả súng hàng loạt ở Trường trung học Columbine năm 1999 cho tới thảm kịch mới nhất ở Trường tiểu học Robb ngày 24-5.
“Con cái chúng ta đang sống trong sợ hãi”
Vụ xả súng ở Trường tiểu học Robb xảy ra khi chỉ còn 2 ngày nữa là kết thúc năm học. Đáng nói chỉ còn vài ngày nữa thì hội nghị thường niên của Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA) khai mạc tại thành phố Houston, bang Texas.
Thống đốc bang Texas, ông Greg Abbott, là thành viên đảng Cộng hòa và là người vận động ủng hộ quyền sở hữu súng. Ngoài ra, cả hai thượng nghị sĩ của bang Texas đều là các thành viên đảng Cộng hòa, họ dự kiến phát biểu tại một diễn đàn dành cho lãnh đạo do nhánh chuyên vận động hành lang cho NRA tài trợ vào ngày 27-5, theo báo Sydney Morning Herald.
Năm 2015, ông Abbott viết trên Twitter rằng ông thấy “xấu hổ” khi bang Texas đứng sau bang California về… doanh số bán súng. “Chúng ta hãy tăng tốc để theo kịp những người Texas”, ông viết.
Những người phản đối súng đạn như Thượng nghị sĩ Chris Murphy ở bang Connecticut, ngay sau vụ xả súng ở Texas đã lên tiếng quyết liệt và đầy cảm xúc tại Thượng viện, kêu gọi những người đồng quan điểm phải có biện pháp thay đổi tình trạng thảm kịch. “Số vụ xả súng hàng loạt hiện đã nhiều hơn số ngày trong năm. Con cái chúng ta đang sống trong sợ hãi mỗi khi chúng bước chân vào lớp học vì chúng lo sợ mình sẽ nạn nhân kế tiếp…. Chúng ta đang làm gì vậy?” ông Chris Murphy nói. “Quý vị đang làm gì vậy? Tại sao chúng ta ở đây?”, Thượng nghị sĩ Chris Murphy hối thúc các nhà lập pháp.
TRẦN ĐẮC LUÂN