Quốc tế

Châu Âu chia rẽ về lệnh cấm nhập dầu của Nga

08:56, 07/05/2022 (GMT+7)

Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố điều chỉnh đề xuất cấm vận dầu mỏ của Nga, cho phép Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech có thêm thời gian thích ứng. Tuy nhiên, một số nước châu Âu vẫn không ủng hộ gói trừng phạt này.

Dù gói cấm vận của Liên minh châu Âu không đề cập khí đốt nhưng các nước ở “lục địa già” đang chủ động giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Trong ảnh: Một đường ống khí đốt bên ngoài làng Sonchamp, phía nam thủ đô Paris của Pháp. Ảnh: AP
Dù gói cấm vận của Liên minh châu Âu không đề cập khí đốt nhưng các nước ở “lục địa già” đang chủ động giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. TRONG ẢNH: Một đường ống khí đốt bên ngoài làng Sonchamp, phía nam thủ đô Paris của Pháp. Ảnh: AP

Hãng tin Reuters cho biết, trong cuộc họp sáng 6-5, EC thảo luận về việc cho Hungary, Slovakia và Cộng hòa Czech - những nước phụ thuộc lớn vào nguồn dầu mỏ của Nga - thêm thời gian để thích ứng với lệnh cấm vận, cũng như nâng cấp cơ sở hạ tầng dầu mỏ. EC còn thảo luận về quá trình chuyển tiếp 3 tháng trước khi cấm các dịch vụ vận chuyển dầu từ Nga thay vì 1 tháng như đề xuất ban đầu.

Theo đề xuất ban đầu, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) ngừng mua dầu thô và các sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ của Nga trong 6 tháng; riêng Hungary và Slovakia thực hiện chậm hơn vài tháng, tức đến năm 2023. Điều chỉnh của EC cho Hungary và Slovakia tiếp tục mua dầu của Nga chuyển qua đường ống đến cuối năm 2024, còn Cộng hòa Czech có thể mua dầu đến tháng 6-2024.

Tuy nhiên, theo Reuters, Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 6-5 nói nước này cần 5 năm cùng các khoản đầu tư khổng lồ vào các nhà máy lọc dầu và đường ống để không còn phụ thuộc 65% lượng dầu từ Nga. Phát biểu trên đài phát thanh của Hungary, ông Orban cho rằng, đề xuất cấm vận dầu từ Nga giống như “quả bom nguyên tử” ném xuống nền kinh tế Hungary và quốc gia này sẵn sàng đàm phán nếu có đề xuất mới phù hợp với lợi ích của họ. “Ngay từ đầu, chúng tôi đã nói sẽ có một lằn ranh đỏ. Đó là lệnh cấm vận năng lượng. Họ đã vượt qua lằn ranh đỏ này”, ông Orban nhấn mạnh.

Trước đó, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, quyết định trừng phạt của EU sẽ hủy hoại an ninh năng lượng của quốc gia Trung Âu này và Hungary chỉ có thể đồng ý với các biện pháp trừng phạt nếu việc vận chuyển dầu thô qua đường ống được miễn trừ khỏi lệnh trừng phạt.

Về phía Slovakia, Thứ trưởng Kinh tế nước này Karol Galek ngày 6-5 khẳng định cần 3 năm để thoát phụ thuộc dầu vào Nga. “Các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục”, hãng tin Bloomberg dẫn lời ông Galek nói. Còn Thủ tướng Czech Petr Fiala cho hay, Praha sẽ ủng hộ gói trừng phạt mới này khi nào có thể tăng công suất các đường ống dẫn dầu chảy đến nước này. Bulgaria cũng đề nghị được miễn trừ nhưng không được chấp thuận.

Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga diễn ra ở Ukraine, dòng chảy dầu và khí đốt từ Nga vẫn đổ về châu Âu. EU nhập khẩu hơn 3 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày với khoản thanh toán khoảng 400 triệu USD/ngày. Nhà ngoại giao cấp cao của EU, ông Josep Borrell, sẽ triệu tập cuộc họp bất thường các ngoại trưởng của khối vào tuần tới nếu không có thỏa thuận nào đạt được vào cuối tuần này. Nếu EU thống nhất cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu từ Nga thì có thể gây ra những tác động mạnh mẽ đến chính khối gồm 27 thành viên cũng như thị trường toàn cầu. Đây cũng sẽ là động thái cứng rắn nhất của EU đối với lĩnh vực năng lượng của Nga.

Gói cấm vận của EU không bao gồm khí đốt. Song, ngày 5-5, Ba Lan và các nước Baltic khánh thành một đường ống dẫn khí đốt mới kết nối khu vực Đông Bắc EU với các khu vực còn lại trong khối nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Đường ống này dài khoảng 508km, có thể vận chuyển khoảng 2 tỷ m3 khí đốt mỗi năm theo cả hai chiều. Chi phí xây dựng đường ống lên tới 500 triệu euro và phần lớn do EU tài trợ.

Phát biểu tại buổi lễ bên ngoài thủ đô Vilnius, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda nhấn mạnh: “Chúng tôi khánh thành đường ống cho thấy độc lập về năng lượng của mình”. Trang web chính thức của EU cũng nêu rõ: “Nhờ mạng lưới hiện có, Latvia, Estonia và cả Phần Lan cũng có quyền tiếp cận hệ thống đường ống dẫn khí đốt này của châu Âu. Đây là một bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy độc lập về khí đốt của EU, giảm sự phụ thuộc vào Nga”.

PHÚC NGUYÊN

.