Liên minh châu Âu (EU) ngày 4-5 đề xuất gói cấm vận thứ 6 đối với Nga, trong đó đáng chú ý nhất là cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Moscow do chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine.
Khói bốc lên từ một kho dự trữ dầu ở ngoại ô Donetsk của Ukraine ngày 4-5 trong lúc chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở quốc gia láng giềng này vẫn chưa kết thúc. Ảnh: AP |
Hãng tin AP cho biết, phát biểu tại phiên họp Nghị viện châu Âu ở Strasbourg (Pháp), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định sẽ loại bỏ hoàn toàn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga theo lộ trình, cụ thể là ngừng hoàn toàn việc nhập dầu thô trong 6 tháng và ngừng nhập các sản phẩm hóa dầu vào cuối năm 2022. “Chúng tôi sẽ bảo đảm loại bỏ dầu nhập khẩu từ Nga theo lộ trình cụ thể để chúng tôi và các đối tác có thời gian tìm nguồn cung thay thế nhằm giảm thiểu tác động của thị trường toàn cầu”, bà Ursula von der Leyen nói.
Các đề xuất trong gói trừng phạt đang chờ được tất cả 27 nước thành viên thông qua thì mới có hiệu lực. Song, theo AP, trong khi Đức và Ba Lan dường như quyết tâm chấm dứt phụ thuộc năng lượng của Nga, một số nước thành viên khác ngỏ ý không tham gia lệnh cấm vận dầu mỏ này. Chính bà Ursula von der Leyen cũng nói rằng, việc tất cả các nước thành viên EU thống nhất với các biện pháp cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Moscow là điều không dễ.
Gói trừng phạt nói trên của EU, nếu được các nước thành viên đồng ý, sẽ là bước ngoặt đối với khối thương mại lớn nhất thế giới, vốn phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga trong lúc giá năng lượng đang tăng vọt.
Khoảng 25% dầu thô nhập khẩu của EU đến từ Nga, giảm so với trước thời điểm Mỹ và phương Tây áp đặt những vòng trừng phạt đầu tiên chống Moscow. Có sự khác biệt về mức độ phụ thuộc giữa các quốc gia vào nguồn dầu mỏ của Nga - nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba thế giới và là nước xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt lớn nhất thế giới. Những nước châu Âu càng gần Nga thì càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung này. Chẳng hạn, Hungary và Slovakia gần như phụ thuộc 100% vào nguồn nhiên liệu từ dầu thô của Nga cung cấp qua đường ống Druzbha. Trước đó, Hungary và Slovakia tuyên bố không tham gia bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhằm vào dầu mỏ của Nga. Giờ đây, Budapest và Bratislava được phép thực hiện lệnh cấm của EU chậm hơn vài tháng. Theo một nhà ngoại giao châu Âu, nếu cấp quy chế miễn trừ cho 1 hoặc 2 nước phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt của Nga thì có thể dẫn đến hiệu ứng domino yêu cầu miễn trừ, ảnh hưởng tới lệnh cấm vận.
Một số nước khác như Bulgaria và Hy Lạp đã khởi động xây dựng một cơ sở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) gần cảng Alexandroupolis, miền Bắc Hy Lạp, nhằm tạo ra tuyến đường khí đốt mới cho châu Âu, đa dạng hóa nguồn cung cho khu vực Đông Nam Âu, đồng thời giảm sự phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga.
Tất nhiên, gói trừng phạt của EU không bao gồm lệnh cấm nhập khẩu khí đốt của Nga, mặt hàng mà liên minh này mua nhiều hơn dầu mỏ và phụ thuộc nhiều hơn.
Chưa rõ lệnh trừng phạt dầu thô toàn diện của EU nếu được áp dụng thì sẽ tác động đến khối này ra sao và ảnh hưởng tới Nga như thế nào. Trước mắt, EU phải tìm nguồn cung dầu thay thế Nga, chẳng hạn Mỹ và Trung Đông, nhưng việc nhập khẩu dầu từ những thị trường này không đơn giản, nhất là không có đường ống dẫn dầu nào xuyên Đại Tây Dương. Còn Nga cũng phải tìm kiếm những thị trường mới cho nguồn dầu của họ và có thể chuyến hướng từ Âu sang Á.
Hãng tin AFP dẫn lời các chuyên gia kinh tế mô tả lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ Nga là “canh bạc rủi ro” bởi sẽ càng đẩy giá năng lượng tăng, gây tác động tiêu cực cho kinh tế châu Âu nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.
Ngoài mục tiêu dầu mỏ, gói trừng phạt thứ 6 của Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào Nga sẽ loại 3 ngân hàng, trong đó có Sberbank - ngân hàng lớn nhất nước này - ra khỏi hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu (SWIFT); ngừng phát sóng 3 đài truyền hình nhà nước; trừng phạt các quan chức quân sự cấp cao của Moscow.
|
PHÚC NGUYÊN