Mỹ - Nhật Bản tăng cường quan hệ đồng minh

.

Nhật Bản kỳ vọng chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại nước này sẽ giúp tăng cường hơn nữa quan hệ đồng minh giữa hai nước, đồng thời tạo dựng mối quan hệ cá nhân tin cậy giữa hai nhà lãnh đạo.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đến căn cứ không quân Yokota ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ngày 22-5. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden đến căn cứ không quân Yokota ở thủ đô Tokyo (Nhật Bản) ngày 22-5. Ảnh: AP

Ngày 22-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đến căn cứ không quân Yokota ở thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến thăm chính thức Nhật Bản và dự hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ Tứ kim cương (QUAD - gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ). Đây là chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du châu Á của ông Biden.
Khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật.

Theo Kyodo News, lần gần đây nhất ông Biden thăm Nhật Bản là năm 2013, thời điểm ông đang giữ chức Phó Tổng thống Mỹ thời ông Barack Obama làm Tổng thống.

Kể từ khi nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chỉ có các cuộc điện đàm hoặc họp trực tuyến với nhà lãnh đạo Mỹ, chứ chưa có dịp hội đàm trực tiếp. Vì vậy, chuyến công du của ông Biden lần này được phía Nhật Bản kỳ vọng là cơ hội để khẳng định tầm quan trọng của liên minh Mỹ - Nhật, giúp tạo dựng mối quan hệ cá nhân tin cậy giữa ông Biden (79 tuổi) và ông Kishida (64 tuổi). Ngoài ra, sự kiện này cũng có thể giúp gia tăng uy tín ở trong nước cho ông Kishida, nhất là khi cuộc bầu cử Thượng viện đang tới gần.

Hãng tin Reuters cho biết, ngày 23-5, Tổng thống Biden sẽ gặp Nhật hoàng Naruhito tại Cung điện Hoàng gia trước khi hội đàm với Thủ tướng Kishida. Ông Biden và ông Kishida sẽ bàn thảo về các kế hoạch của Nhật Bản trong việc mở rộng khả năng quân sự và ứng phó với sức mạnh ngày càng gia tăng của Trung Quốc; vấn đề phát triển hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên; cuộc xung đột Nga - Ukraine; hợp tác song phương Nhật - Mỹ, hợp tác ba bên Nhật - Hàn - Mỹ…

Phát biểu với báo giới, ông Noriyuki Shikata, Thư ký Nội các phụ trách quan hệ công chúng của Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng muốn làm sâu sắc hơn nữa liên minh này, không chỉ vì quan hệ giữa hai nước, mà còn vì khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, rộng hơn là hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”.

Nhật Bản mong muốn Mỹ quay lại CPTPP

Đáng lưu ý, ông Biden sẽ công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), sáng kiến kinh tế chính đầu tiên của Mỹ ở khu vực này nhằm tăng cường hợp tác với các đối tác về các vấn đề chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng và thương mại số.

Các nhà quan sát cho rằng, kể từ khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Mỹ thiếu một trụ cột kinh tế để tham gia vào khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, tạo cơ hội cho Trung Quốc gia tăng tầm ảnh hưởng. IPEF được thiết kế như một tập hợp các thỏa thuận riêng lẻ và các nước trong khu vực có thể lựa chọn để tham gia. Song, 7 tháng sau khi được khởi xướng vào tháng 10 năm ngoái, những nội dung của sáng kiến hiện ​​vẫn chưa được công bố.

Cũng như Hàn Quốc, phía Nhật Bản dự kiến sẽ tham gia IPEF, đồng thời mong muốn sáng kiến này có sự hiện diện của nhiều các quốc gia Đông Nam Á. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Bộ Tài chính Nhật Bản cho rằng, nhiều nước Đông Nam Á sẽ không tham gia IPEF vì thiếu các ưu đãi thiết thực như cắt giảm thuế quan bởi đây không phải là hiệp định thương mại tự do truyền thống (vốn bao gồm các vấn đề liên quan tới quyền tiếp cận thị trường, giảm hoặc xóa bỏ thuế). Tuy nhiên, một nhà ngoại giao châu Á cho hay, ít nhất 1/2 trong số các nước ASEAN có thể dự lễ ra mắt IPEF tại Tokyo.

Trong lúc đó, Nhật Bản vẫn mong muốn Mỹ sẽ quay lại CPTPP, hiện có 11 thành viên. “Nhật Bản muốn thấy Mỹ quay lại CPTPP”, ông Noriyuki Shikata nói.

Mỹ dù đang quan tâm đến cuộc xung đột ở Ukraine nhưng vẫn xem Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là “chiến trường quan trọng”, như lời Tổng thống Biden phát biểu trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol hôm 21-5. Người đứng đầu Nhà Trắng khẳng định, các đồng minh dân chủ phải làm sâu sắc hơn các mối quan hệ, không chỉ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà còn toàn bộ vùng Thái Bình Dương, Nam Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Giới phân tích cho rằng, đây là một minh chứng cho thấy Washington không rời mắt khỏi Bắc Kinh ngay cả khi chiến sự đang căng thẳng ở Ukraine.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.