Quốc tế
QUAD ứng phó với các thách thức
Nhóm Bộ Tứ kim cương (QUAD) ngày 24-5 ra Tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở Tokyo (Nhật Bản), đề cập về hòa bình và ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới, tăng cường hệ thống y tế, đầu tư cơ sở hạ tầng, chống biến đổi khí hậu…
Từ trái sang: Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chụp ảnh lưu niệm tại Tokyo (Nhật Bản) ngày 24-5. Ảnh: Kyodo News/AP |
Cuộc gặp của QUAD (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) ngày 24-5 được xem là một trong những sự kiện họp thượng đỉnh quan trọng nhất về chính sách đối ngoại của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương năm 2022.
Đầu tư hơn 50 tỷ USD vào hạ tầng ở Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương
Hãng tin AP cho biết, trong Tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo đề cập nhiều vấn đề, nổi bật nhất là những cam kết đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới, liên quan đến cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine…
Để thực hiện thành công chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, nhóm Bộ Tứ công bố kế hoạch đầu tư ít nhất 50 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng tại khu vực này. “Chúng tôi cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác và khu vực để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực công và tư nhân nhằm thu hẹp khoảng cách. Để đạt được điều này, Bộ Tứ sẽ tìm cách mở rộng hơn 50 tỷ USD hỗ trợ cơ sở hạ tầng và đầu tư vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong 5 năm tới”, Tuyên bố chung nêu.
Tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi nhóm Bộ Tứ nỗ lực hơn nữa để kết thúc cuộc xung đột ở Ukraine. “Đây không chỉ là vấn đề của châu Âu. Đây là vấn đề toàn cầu”, ông Biden nói. Theo AP, thông điệp của ông được cho là nhằm vào Ấn Độ. Khác với các thành viên QUAD cũng như các đồng minh của Mỹ, Ấn Độ không áp đặt các biện pháp trừng phạt hay chỉ trích Nga - nước cung cấp thiết bị quốc phòng và cung cấp dầu mỏ chính cho New Delhi. Ấn Độ cũng đã bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về chiến dịch của Nga.
Thủ tướng Modi đến Nhật Bản với thông điệp thúc đẩy hợp tác chung vì “một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và hòa nhập đang được khuyến khích”.
Ủng hộ sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN
Trong Tuyên bố chung, các lãnh đạo QUAD còn chỉ trích “việc quân sự hóa các thực thể tranh chấp, sử dụng nguy hiểm các tàu hải cảnh và lực lượng dân quân hàng hải, cũng như hành vi làm gián đoạn các hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các nước khác”, nhưng không đề cập cụ thể quốc gia nào. Nhóm Bộ Tứ công bố sáng kiến “Đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì nhận thức trong lĩnh vực hàng hải” nhằm hỗ trợ các quốc gia theo dõi hoạt động đánh bắt cá trái phép và giám sát những hoạt động khác trong vùng biển chủ quyền. Các nhà lãnh đạo tái khẳng định “ủng hộ một cách kiên định đối với sự đoàn kết và vai trò trung tâm của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng như việc triển khai trên thực tế Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP)”.
Hội nghị thượng đỉnh QUAD lần này đánh dấu sự hiện diện lần đầu tiên của tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese. Hãng tin Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Úc nhấn mạnh vai trò của nhóm Bộ Tứ trong việc đối phó với các thách thức và mối đe dọa trong một thế giới có nhiều bất ổn, đồng thời tái khẳng định cam kết của chính phủ mới tại Canberra đối với nhóm Bộ Tứ. “Khu vực muốn chúng tôi hợp tác và dẫn đầu, đó là lý do chính phủ của tôi sẽ có những hành động đầy tham vọng về chống biến đổi khí hậu và tăng cường hỗ trợ các đối tác trong khu vực khi họ nỗ lực giải quyết vấn đề này, bao gồm cả nguồn tài chính mới”, ông Albanese nhấn mạnh.
Tân Thủ tướng Úc cam kết sẽ nâng mức cam kết cắt giảm khí thải từ 26-28% lên đến 43% nhằm giúp nước này đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ngoài ra, Úc còn tăng thêm 5 tỷ AUD hỗ trợ các nước Thái Bình Dương để làm sâu sắc hơn quan hệ trong lĩnh vực quốc phòng và hợp tác hàng hải.
Bộ Tứ kim cương (QUAD) là cơ chế an ninh được Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc chính thức thành lập vào năm 2007 nhằm ứng phó với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sáng kiến này tan rã vào năm 2008 khi Úc rút khỏi nhóm để theo đuổi quan hệ thương mại với Trung Quốc. QUAD tái khởi động vào năm 2017 và được cho là có thể mở rộng với sự tham gia của một số nước khác. |
PHÚC NGUYÊN