Trung Quốc duy trì chống dịch bằng những biện pháp cứng rắn

.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, Trung Quốc không thể duy trì lâu chiến lược “Zero Covid-19” và kêu gọi Bắc Kinh thay đổi chính sách chống dịch.

Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở thủ đô Bắc Kinh ngày 11-5. Ảnh: AP
Một điểm xét nghiệm Covid-19 ở thủ đô Bắc Kinh ngày 11-5. Ảnh: AP

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 10-5 (giờ địa phương), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định: Chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc không bền vững khi xét đến “cơ chế lây lan của virus và những gì chúng tôi dự đoán trong tương lai”.

“Chúng tôi đã thảo luận vấn đề này với các chuyên gia Trung Quốc. Chúng tôi chỉ ra rằng cách tiếp cận đó không bền vững... Tôi nghĩ điều quan trọng là phải thay đổi. Việc hiểu biết hơn về SARS-CoV-2 và có các công cụ tốt hơn để chống lại nó cũng cho thấy đã đến lúc phải thay đổi chiến lược”, AP dẫn lời ông Tedros nhấn mạnh.

Hãng tin Reuters mô tả đây là một trong những bình luận hiếm hoi của WHO về cách thức Trung Quốc ứng phó với đại dịch Covid-19. Phát biểu của ông Tedros được đưa ra trong bối cảnh các nhà chức trách Trung Quốc quyết tâm chống dịch bằng những biện pháp cứng rắn, mặc dù lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và kéo dài gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong khi đó, ông Mike Ryan - Giám đốc phụ trách chương trình khẩn cấp của WHO cho rằng, đến lúc phải nhấn nút khởi động lại và bất kỳ biện pháp chống dịch nào cũng cần thể hiện “sự tôn trọng thích đáng đối với các quyền cá nhân và con người”.

Theo trang thống kê worldometer, tính đến nay, Trung Quốc ghi nhận tổng cộng hơn 220.000 ca nhiễm Covid-19, trong đó có gần 5.200 ca tử vong. Con số tử vong này thấp hơn so với 1 triệu ca tử vong ở Mỹ, hơn 664.000 ca ở Brazil và hơn 524.000 ca ở Ấn Độ. Trong lúc nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại và dần xem Covid-19 là “bệnh đặc hữu”, Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “Zero Covid”. Trong cuộc họp hôm 29-4, Bộ Chính trị Trung Quốc quyết định nước này sẽ kiên trì chiến lược “Zero Covid” linh hoạt bởi đây là biện pháp bảo vệ tính mạng và sức khỏe của người dân cũng như giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với phát triển kinh tế - xã hội.

Chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc bao gồm xét nghiệm, truy vết và cách ly tập trung các ca dương tính với SARS-CoV-2. Theo đó, Trung Quốc tiến hành phong tỏa các khu vực dân cư để ngăn chặn sự lây lan của virus. Thành phố Thượng Hải thực hiện phong tỏa từ ngày 1-4. Hiện nay, lệnh phong tỏa nới lỏng tại một số khu vực ở siêu đô thị đông dân nhất này nhưng vẫn chưa được dỡ bỏ. Còn ở Bắc Kinh, chính quyền thủ đô tiếp tục siết chặt công tác kiểm soát dịch sau khi ghi nhận nhiều ca nhiễm mới. Từ ngày 10-5, Bắc Kinh tiến hành xét nghiệm acid nucleic trên toàn thành phố chia theo quận và theo ngày.

Theo Reuters, phản ứng với phát biểu của Tổng Giám đốc WHO, trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh ngày 11-5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên kêu gọi người đứng đầu cơ quan y tế toàn cầu tránh đưa ra những nhận xét “vô trách nhiệm”. Ông Triệu Lập Kiên bảo vệ các biện pháp mà Trung Quốc áp dụng để chống dịch và bày tỏ hy vọng Tổng Giám đốc WHO có thể nhìn nhận khách quan về các chính sách này.

Giới chức y tế Trung Quốc cũng lý giải, nước này phải kiên quyết áp dụng chính sách “Zero Covid” nếu không muốn hứng chịu thảm họa y tế vì tỷ lệ tiêm chủng ở người cao tuổi thấp và tình trạng thiếu nguồn lực y tế.

Hãng tin Bloomberg ngày 11-5 dẫn một nghiên cứu cho hay, mức độ miễn dịch do chiến dịch tiêm chủng hồi tháng 3 của Trung Quốc không đủ để ngăn chặn làn sóng Omicron. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Phục Đán (Thượng Hải) cho rằng, Trung Quốc có nguy cơ hứng chịu “sóng thần” Covid-19 khiến 1,6 triệu người chết nếu chính phủ từ bỏ chính sách “Zero Covid” và để biến thể Omicron lây lan không kiểm soát.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.