Trong lúc cả châu Âu “bất an” và Mỹ bị cuốn vào chiến dịch viện trợ quân sự ồ ạt cho Ukraine, thì tại châu Á, Triều Tiên liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo. Mới nhất là vụ phóng một vật thể được cho là tên lửa đạn đạo tại khu vực vùng biển phía đông Triều Tiên ngày 4-5.
Theo Bộ Quốc phòng Nhật Bản, tên lửa nói trên bay xa khoảng 500km và đạt độ cao 800km. Giới chức Hàn Quốc nhận định đây có thể là một tên lửa đạn đạo tầm trung đến tầm xa như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM).
Như vậy, từ đầu năm 2022 đến nay, Triều Tiên đã 14 lần thử nghiệm vũ khí lớn, trong đó có vụ thử ICBM mới mà nước này đặt tên là Hwasong-17 hồi tháng 3. Còn vụ phóng vào ngày 4-5 được thực hiện cách vài ngày trước khi Tổng thống đắc cử của Hàn Quốc Yoon Seok Yeol tuyên thệ nhậm chức (ngày 10-5).
Động thái của Triều Tiên làm Mỹ và các nước có liên quan khác hết sức lo ngại. Sáng 4-5, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) - Tướng Won In-choul hội đàm trực tuyến với Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) - Tướng Paul LaCamera; hai bên tái khẳng định các nỗ lực nhằm bảo đảm một thế trận phòng thủ phối hợp vững chắc. Trong khi đó, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc kêu gọi Triều Tiên ngừng ngay các vụ phóng thử và trở lại bàn đàm phán. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho rằng, động thái của Bình Nhưỡng đe dọa hòa bình và an ninh toàn cầu.
Dường như Triều Tiên không dừng lại ở các vụ thử tên lửa đạn đạo, tờ Financial Times ngày 29-4 đưa tin nước này đang chuẩn bị vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017. Theo tờ báo, các hình ảnh vệ tinh mới nhất về cơ sở hạt nhân tại bãi thử Punggye-ri cho thấy công tác chuẩn bị đang được tiến hành thuận lợi, với việc xây dựng các tòa nhà, vận chuyển vật liệu xây dựng, tăng cường trang thiết bị, vật tư tại một khu vực gần bãi thử.
Các chuyên gia được Financial Times trích lời cho rằng, cuộc thử hạt nhân có thể diễn ra từ tháng 5 đến tháng 9. Tính đến nay, Triều Tiên đã thử thành công bom hạt nhân 6 lần, vào các năm 2006, 2009, 2013, hai lần vào năm 2016 và năm 2017. Với mỗi lần thử nghiệm, các vụ nổ hạt nhân của Triều Tiên lại tăng thêm sức mạnh. Theo một nghiên cứu của các nhà địa chấn học thuộc Đại học California Santa Cruz (Mỹ), vụ thử năm 2017 là vụ thử lớn nhất, ước tính có sức công phá 250 kiloton thuốc nổ TNT (trong khi quả bom ném xuống Hiroshima chỉ có sức công phá tương đương 16 kiloton TNT).
Những động thái nói trên của Bình Nhưỡng được thể hiện rõ nét trong bài diễn văn tại lễ duyệt binh ngày 25-4 kỷ niệm 90 năm thành lập Quân đội Cách mạng Nhân dân Triều Tiên. Với sự xuất hiện của ICBM Hwasong-17, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cam kết tăng cường năng lực hạt nhân của Triều Tiên với “tốc độ nhanh nhất”, đồng thời nhấn mạnh nước này sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng cho khả năng sử dụng “sức mạnh răn đe” hạt nhân bất cứ lúc nào. Ông Kim Jong-un cũng lên tiếng cảnh báo bất kỳ thế lực nào tìm kiếm đối đầu quân sự sẽ không tồn tại.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói rằng, Washington muốn Hội đồng Bảo an bỏ phiếu trong tháng 5 về tăng cường trừng phạt Triều Tiên liên quan việc nối lại những vụ phóng tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng; đồng thời để ngỏ kênh ngoại giao với quốc gia châu Á này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nêu rõ: Cách tốt nhất để theo đuổi nỗ lực phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên là thông qua ngoại giao và Washington sẵn sàng ngồi lại với Bình Nhưỡng mà không kèm điều kiện tiên quyết.
Có thể nói, cùng với những diễn biến khó lường về cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine, hay việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân của Iran năm 2015 chưa có hồi kết, thì vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn là bài toán vô cùng hóc búa, qua nhiều đời tổng thống Mỹ vẫn chưa hóa giải được.
Mỹ cùng các đồng minh đang thực hiện chính sách vừa gia tăng các biện pháp bao vây, cấm vận, răn đe hành động quân sự, vừa để ngỏ đàm phán ngoại giao với Triều Tiên. Nhưng việc thuyết phục Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán vẫn còn nhiều chông gai, trắc trở.
TUYẾT MINH