Quốc tế
Hàn Quốc đưa vệ tinh lên quỹ đạo bằng tên lửa nội địa
Ngày 21-6, Hàn Quốc phóng tên lửa đẩy phát triển nội địa đầu tiên vào không gian, đưa vệ tinh do tên lửa này mang theo vào quỹ đạo thành công, đánh dấu bước tiến vượt bậc trong tham vọng chinh phục không gian, đồng thời cho thấy khả năng xây dựng hệ thống giám sát không gian và tên lửa lớn hơn trong thời gian tới.
Hãng tin Reuters dẫn báo cáo của Bộ Khoa học và ICT Hàn Quốc cho biết, tên lửa đẩy Nuri nặng 200 tấn, còn gọi là KSLV-II, rời bệ phóng từ Trung tâm không gian Naro ở làng ven biển Goheung, phía nam nước này. Nuri mang theo vệ tinh xác nhận hiệu suất nặng 162,5kg, cùng 4 vệ tinh hình khối và 1 vệ tinh giả nặng 1,3 tấn. Các vệ tinh hình khối do 4 trường đại học Hàn Quốc phát triển với mục đích nghiên cứu học thuật. Nuri đã đến độ cao mục tiêu 700km, tách thành công vệ tinh xác minh hiệu suất và đưa nó vào quỹ đạo. Theo Bộ trưởng Khoa học Lee Jong-Ho, nước này sẽ tiếp tục “cuộc hành quân táo bạo để trở thành cường quốc vũ trụ”.
Vụ phóng nói trên đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 phát triển thành công phương tiện phóng vào không gian có thể mang theo vệ tinh nặng hơn 1 tấn (sau Nga, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ). Hàn Quốc đã đầu tư gần 2.000 tỷ won (1,8 tỷ USD) xây dựng Nuri từ năm 2010. Trong lần phóng đầu tiên vào tháng 10-2021, Nuri bay thành công đến độ cao mục tiêu là 700km nhưng không đưa được vệ tinh giả vào quỹ đạo.
Theo Yonhap, Hàn Quốc dự kiến tiến hành thêm 4 vụ phóng thử tương tự vào năm 2027, đồng thời theo đuổi mục tiêu đưa tàu thăm dò lên Mặt trăng trước năm 2030.
THƯ LÊ