Lãnh đạo Pháp, Đức, Ý đến Ukraine

.

Lãnh đạo 3 nước Pháp, Đức và Ý ngày 16-6 đi tàu hỏa đến Kiev nhằm thể hiện thông điệp “một châu Âu đoàn kết hướng về Ukraine”.

Thủ tướng Ý Mario Draghi (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Marcron (giữa) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trên tàu từ Ba Lan đến Kiev ngày 16-6. Ảnh: AP
Thủ tướng Ý Mario Draghi (trái), Tổng thống Pháp Emmanuel Marcron (giữa) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trên tàu từ Ba Lan đến Kiev ngày 16-6. Ảnh: AP

Báo Washington Post cho biết, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ý Mario Draghi cùng nhau đi tàu khởi hành từ Ba Lan sang thủ đô Kiev của Ukraine, trong lúc Tổng thống nước chủ nhà, ông Volodymyr Zelensky, kêu gọi hỗ trợ thêm vũ khí để chống lại các chiến dịch của Nga ở khu vực phía đông. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông Macron, ông Scholz và ông Draghi tới Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng này vào ngày 24-2. Dự kiến 3 ông sẽ gặp gỡ Tổng thống nước chủ nhà Zelensky.

Châu Âu đối mặt với áp lực cung cấp vũ khí

Khi đến Kiev, Thủ tướng Scholz nói rằng, cả ba nhà lãnh đạo “muốn thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine và người dân Ukraine”, theo hãng tin DPA của Đức. “Nhưng chúng tôi không chỉ muốn thể hiện sự đoàn kết, mà còn muốn bảo đảm rằng sự giúp đỡ về tài chính và nhân đạo cũng như về vũ khí sẽ được tiếp tục”, ông Scholz nói thêm.

Cả ba nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Ý đến thẳng ngoại ô Irpin, nơi chịu thiệt hại nặng nề trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Trong lúc đó, Tổng thống Zelensky cảnh báo Ukraine đang phải gánh chịu “những tổn thất đau đớn” ở khu vực Donbass, đồng thời thúc giục châu Âu hỗ trợ thêm về quân sự. Ông nói rằng, nếu viện trợ quốc phòng không được tăng lên đáng kể thì phía Ukraine sẽ thiệt hại khi các lực lượng Nga tiếp tục tấn công vào thành phố chiến lược phía đông Severodonetsk. Hôm 15-6, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đáp lại lời kêu gọi từ Ukraine về việc cung cấp thêm vũ khí với khoản hỗ trợ an ninh bổ sung 1 tỷ USD.

Song, châu Âu đang đứng trước áp lực phải hành động nhiều hơn thế. Đặc biệt, Đức đến nay vẫn chưa cung cấp bất kỳ vũ khí hạng nặng nào cho Ukraine, mặc dù Berlin đã hứa từ gần 2 tháng trước. Ngày 15-6, Tổng thống Zelensky phát biểu với báo Die Zeit: “Mọi nhà lãnh đạo các nước đối tác của chúng tôi, và đương nhiên là cả Thủ tướng Scholz, biết chính xác Ukraine cần gì. Thế nhưng, lượng vũ khí được giao từ Đức vẫn ít hơn mong đợi”.

Các nhà phân tích cho rằng, sự hoài nghi của Ukraine với cam kết của Đức là có cơ sở, bởi chính phủ của Thủ tướng Scholz từng phản ứng chậm chạp hơn so với các đồng minh như Mỹ và Anh khi xung đột bùng phát tại Ukraine. Theo bà Marina Henke, Giám đốc Trung tâm An ninh Quốc tế tại Trường Quản lý Hertie (Đức), nguyên nhân là Berlin vẫn “bối rối” trong cách ứng phó với Nga. Nhiều nước đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng chỉ trích Đức không tuân thủ các cam kết cung cấp khí tài cho Ukraine.

Mở ra cơ hội đối thoại cho Nga và Ukraine?

Khi được một nhà báo hỏi vì sao đến Ukraine, Tổng thống Macron nói: “Vì một thông điệp về sự thống nhất của châu Âu”. Ông còn nhấn mạnh: Chuyến thăm nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine “cả cho hiện tại và tương lai”.

Theo các nhà phân tích, sự có mặt của các nhà lãnh đạo châu Âu có thể giúp tăng cường viện trợ quân sự của khu vực cho Ukraine, đồng thời có thể mở ra cơ hội đối thoại cho Nga và Kiev, bởi ông Macron được cho là người ủng hộ đối thoại với Moscow.

Phía Ukraine không mong đợi “những tuyên bố lạc quan” từ chuyến thăm này, ngoài việc tiếp cận các nguồn cung cấp vũ khí mới một cách đáng kể. Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho rằng, bất kể cuộc gặp kết thúc như thế nào, đây sẽ là sự kiện lịch sử mở đường cho một châu Âu mạnh mẽ hơn hoặc cho một Ukraine kiên cường hơn.

Báo Washington Post cho hay, chuyến thăm của các nhà lãnh đạo 3 nước lớn thuộc Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong lúc Ukraine đang đàm phán để bắt đầu tiến trình gia nhập khối hiện có 27 thành viên này. Ngày 23 và 24-6, EU sẽ nhóm họp thượng đỉnh ở Brussels (Bỉ); ngày 29 và 30-6, NATO họp thượng đỉnh ở Madrid (Tây Ban Nha).

Trong số các nhà lãnh đạo châu Âu, Thủ tướng Ý đặc biệt ủng hộ việc Ukraine muốn gia nhập EU. Hai tuần trước, ông Draghi nói rằng, việc trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên gần như bị tất cả các quốc gia lớn ở châu Âu phản đối, “ngoại trừ Ý”. Ông Draghi cho biết, phần lớn các nước đều phải chờ đợi nhiều năm để trở thành ứng cử viên, chứ chưa nói đến việc trở thành thành viên EU. Liên minh này đã đề xuất nhiều thỏa thuận khác để nới lỏng cơ chế, nhưng không quốc gia nào đồng ý cho phép Kiev “nhảy cóc”. “Tôi ủng hộ Ukraine trở thành thành viên EU và tôi đã làm như thế từ lúc bắt đầu”, ông Draghi nói.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.