Quốc tế
Thế giới đang thiếu dầu
Sau khi châu Âu thông qua lệnh trừng phạt nhằm vào dầu mỏ Nga, giá dầu đã tăng lên hơn 120 USD/thùng. Nguồn cung dầu toàn cầu khan hiếm, trong khi giá dầu và nhu cầu tăng vọt sau đại dịch Covid-19.
Nhà máy lọc dầu Százhalombatta gần thủ đô Budapest của Hungary, quốc gia phụ thuộc lớn vào nguồn cung dầu thô từ Nga. Ảnh: AFP |
Chuyên trang kinh tế CNBC cho rằng, việc Liên minh châu Âu (EU) cấm 90% dầu thô của Nga vào cuối năm nay trong khuôn khổ gói trừng phạt thứ 6 của khối này đối với Moscow kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine lập tức khiến giá dầu tăng vượt mốc 120 USD/thùng. Theo đó, gần 3 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỗi ngày của Nga sẽ chịu tác động từ lệnh cấm.
Nga cung cấp 27% lượng dầu nhập khẩu và 40% lượng khí đốt cho EU. Mỗi năm khối này phải trả cho Nga khoảng 400 tỷ euro (430 tỷ USD). Hãng tin Reuters dẫn lời các nhà phân tích từ hãng dịch vụ tài chính JP Morgan cho biết, Nga đã giảm khoảng 30% công suất lọc dầu do các lệnh trừng phạt của phương Tây, gây thiếu hụt khoảng 1,5 triệu thùng/ngày. Đến cuối năm 2022, thêm 1,3 triệu thùng dầu của nước này sẽ có khả năng không được lọc mỗi ngày.
Trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực, cả EU lẫn Nga vẫn có thời gian chuẩn bị để tìm những đối tác mới. Chẳng hạn, để bù đắp sự sụt giảm dầu từ Nga, các nhà máy lọc dầu châu Âu đã chuyển sang nhập khẩu dầu thô Tây Phi, với 3 nước xuất khẩu chính là Angola, Cameroon và Nigeria sẽ trở thành nhà cung cấp mới, cùng Trung Đông và Bắc Mỹ.
Trong khi đó, Nga có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang các đối tác lâu đời như Trung Quốc và Ấn Độ - những nước đang mua hàng giá rẻ với số lượng lớn. Thực tế, Trung Quốc hiện là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga và lượng mua dầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng tăng đáng kể. Từ tháng 3 đến tháng 5-2022, Trung Quốc mua tổng cộng 14,5 triệu thùng dầu, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ấn Độ thường nhập khẩu rất ít dầu thô từ Nga, chỉ từ 2-5%/năm, nhưng giờ đây nhập khẩu 600.000 thùng dầu/ngày từ Nga. Theo dữ liệu từ công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, Ấn Độ đã mua 11 triệu thùng vào tháng 3-2022, 27 triệu thùng vào tháng 4 và 21 triệu thùng vào tháng 5.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 4-6 nói rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Moscow. Ông Lavrov thậm chí dự đoán lợi nhuận từ xuất khẩu năng lượng của Nga sẽ tăng vọt trong năm nay.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine chỉ là một trong những nguyên nhân đẩy giá dầu tăng vọt. Một nguyên nhân khác là nguồn cung toàn cầu đang khan hiếm, trong khi nhu cầu tăng vọt sau hai năm xảy ra đại dịch. Các nhà phân tích cho rằng, nhu cầu hiện nay khoảng 103 triệu thùng dầu/ngày, nhưng nguồn cung vẫn giữ nguyên mức của năm 2019, tức thời điểm trước đại dịch.
Tuần qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến khu vực Trung Đông ngay trước thềm cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) nhằm tìm kiếm sự phối hợp hành động giữa Moscow và các đối tác OPEC trên thị trường dầu. Điện Kremlin dường như muốn xác định lại tuyến xuất khẩu dầu để bù đắp cho khoảng trống từ việc giảm sản lượng của mình.
Các nước Vùng Vịnh vốn gắn chặt lợi ích với Mỹ. Song, trước những biến động về thị trường dầu mỏ, Vùng Vịnh khó phớt lờ vai trò của Nga trong lợi ích kinh tế mang lại cho quốc gia của mình. OPEC+ nhất trí trong tháng 7 và 8 tới sẽ tăng sản lượng dầu thêm 648.000 thùng/ngày, cao hơn mức tăng hằng tháng 432.000 thùng/ngày đang áp dụng. Mức tăng này tương đương 0,7% nhu cầu dầu của thế giới.
Quyết định nói trên của OPEC+ được cho là bất ngờ bởi OPEC trước đó liên tục từ chối lời kêu gọi nâng sản lượng từ Mỹ, Anh và các nước phương Tây khác. Tháng 4-2020, OPEC+ từng cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày để hỗ trợ ngành năng lượng toàn cầu rơi vào cảnh giảm nhu cầu trầm trọng vì tác động của đại dịch Covid-19.
Một điều đáng lưu ý nữa là lệnh cấm dầu Nga đã khiến các nhà máy lọc dầu ở đông bắc nước Mỹ thiếu nguồn nguyên liệu cần thiết nên phải giảm công suất.
Các chuyên gia phân tích nhận định: Dù nhu cầu dầu tăng vọt nhưng tình trạng căng thẳng nguồn cung có thể kéo dài trong vài năm tới, khiến giá nhiên liệu tiếp tục tăng.
VĨNH AN