Khủng hoảng Sri Lanka, điều đã thấy trước

.

Sau nhiều lần kiên quyết bác bỏ yêu cầu của người biểu tình, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã chấp nhận từ chức, thông tin được chủ tịch quốc hội nước này xác nhận ngày 10-7, cũng là ngày đám đông người biểu tình xông vào nơi ở của ông Gotabaya Rajapaksa.

Người biểu tình xông vào nơi ở của Tổng thống Sri Lanka, Gotabaya Rajapaksa, ngày 10-7 trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình lớn đang nổ ra trên toàn lãnh thổ nước này.Ảnh: EPA
Người biểu tình xông vào nơi ở của Tổng thống Sri Lanka, Gotabaya Rajapaksa, ngày 10-7 trong bối cảnh nhiều cuộc biểu tình lớn đang nổ ra trên toàn lãnh thổ nước này. Ảnh: EPA

Thực tế, giới quan sát dường như không bất ngờ với diễn biến này. Trong suốt vài tháng qua, người biểu tình đã liên tục bao vây lối vào dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Cùng với đó, trên toàn quốc, những cuộc biểu tình quy mô lớn yêu cầu chính phủ “gia đình trị” của ông Gotabaya Rajapaksa phải từ chức liên tục diễn ra. Người dân Sri Lanka cáo buộc nhà lãnh đạo của họ đã thất bại trong việc điều hành, để nạn tham nhũng và vô trách nhiệm lan tràn, đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng kinh tế vô cùng trầm trọng.

Điều phải đến đã đến

Theo hãng tin Reuters, trong khi đám đông ập vào nơi ở, phòng làm việc của tổng thống, hàng ngàn người biểu tình khác đã phủ kín khắp các con đường ở thủ đô Colombo trong ngày 9-7, bày tỏ sự phẫn nộ, bức xúc về một nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng, lạm phát tăng cao.

Dù vậy cho tới chiều 10-7 vẫn chưa có sự xác nhận trực tiếp từ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa về việc từ chức. Ông vẫn đang ẩn náu đâu đó và tới nay người ta chỉ đang phỏng đoán về nơi ở của ông. Ông Mahinda Yapa Abeywardena, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, cũng là một đồng minh của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, là người thông báo về quyết định sẽ từ chức của nhà lãnh đạo quốc gia Nam Á hôm 9-7.

Trong tuyên bố được phát trên truyền hình, ông Abeywardena cho biết tổng thống nói với ông sẽ từ chức vào ngày 13-7 “để đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình”. Theo báo New York Times, các quan chức tại Bộ quốc phòng Sri Lanka từ chối trả lời những câu hỏi liên quan tới nơi ở hiện nay của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa.

Cũng trong ngày 9-7, sau thông tin Tổng thống sẽ từ chức, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, người chỉ vừa mới nhậm chức trong tháng 5-2022, cũng tuyên bố sẽ rời cương vị vì “nghĩ tới sự an toàn của mọi công dân”.

Tối muộn ngày 9-7 người biểu tình đã xông vào tận nhà riêng của ông Ranil Wickremesinghe và châm lửa đốt. Thông tin từ người phát ngôn của Thủ tướng Sri Lanka, ông Dinouk Colombage, cho biết lúc xảy ra sự việc ông Wickremesinghe không có mặt ở nhà.

Sri Lanka đã không còn đủ nguồn dự trữ ngoại tệ để nhập khẩu những mặt hàng thiết yếu như thuốc men, lương thực và xăng dầu trong suốt nhiều tháng qua. Liên Hợp Quốc đã cảnh báo hơn 1/4 dân số nước này đang ở tình trạng thiếu lương thực.

Vì đâu nên nỗi?

Theo hãng tin AP, chỉ mới vài năm trước, nền kinh tế Sri Lank vẫn còn tạo đủ việc làm cũng như nguồn tài chính ổn định cho hầu hết người lao động. Nhưng nay thì nền kinh tế đó trong tình trạng sụp đổ, phụ thuộc vào nguồn trợ giúp của Ấn Độ và các nước khác khi chính quyền Sri Lanka cố gắng thương thuyết khoản vay với Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Ngoài những vấn đề bức thiết tức thời, còn có một nguyên do sâu xa hơn khiến Sri Lanka luôn là một “thùng thuốc súng” sẵn sàng nổ tung bất cứ lúc nào: sự chia rẽ giữa hai sắc dân chính ở đất nước này là Sinhalese và Tamil.

Dù cuộc nội chiến với lực lượng Những con hổ giải phóng Tamil (Tamil Tigers) kéo dài 1/4 thế kỷ đã kết thúc được 13 năm, sự hòa hợp dân tộc tại Sri Lanka vẫn hết sức mong manh. Sự chia rẽ thể hiện chính trong nhìn nhận của sắc dân chiếm đa số Sinhalese và sắc dân thiểu số Tamil về Tổng thống đương nhiệm Gotabaya Rajapaksa. Trong khi người Sinhalese coi tổng thống là một anh hùng, người Tamil cáo buộc ông Gotabaya Rajapaksa đã gây nhiều tội ác chiến tranh.

Xung đột tại Ukraine xảy ra và những hệ lụy tác động tới kinh tế thế giới như đẩy giá lương thực và năng lượng tăng cao vô hình trung đã khiến nền kinh tế của quốc đảo 25 triệu dân Sri Lanka lún sâu thêm vào những bất ổn không lối thoát.

Theo giới quan sát, những hỗn loạn và bất ổn ở Sri Lanka cũng đã bắt đầu góp phần làm định hình lại bối cảnh địa chính trị trong khu vực. Bởi lẽ quốc gia Nam Á này từ lâu được xem như một “phần thưởng chiến lược” với cả Trung Quốc và Ấn Độ khi cả hai đều muốn giành thế ảnh hưởng lớn hơn.

LÂM PHONG

;
;
.
.
.
.
.