Sự kiện thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế vừa qua là cuộc điện đàm “thẳng thắn và sâu rộng” giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo đề nghị của người đứng đầu Nhà Trắng. Dấu hiệu tích cực này cho thấy hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang nỗ lực củng cố liên lạc, quản lý những khác biệt một cách có trách nhiệm và tìm cơ hội hợp tác trong bối cảnh thế giới đầy biến động.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (bên trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc họp trực tuyến vào tháng 11-2021. Ảnh: Reuters |
Tân Hoa xã cho biết, trong cuộc điện đàm kéo dài hơn 2 giờ vào tối 28-7 (giờ Mỹ), hai nhà lãnh đạo bày tỏ quan điểm rõ ràng đối với hàng loạt nội dung quan trọng về quan hệ song phương và các vấn đề khu vực, quốc tế mà hai bên cùng quan tâm. Dư luận đánh giá cao cam kết của hai bên trong việc duy trì và tận dụng triệt để kênh thông tin liên lạc hiện có để tăng cường hợp tác song phương.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định, thế giới đang chứng kiến các xu hướng hỗn loạn, biến đổi gia tăng và sự thiếu hụt về phát triển và an ninh ngày càng lớn. Do vậy, cộng đồng quốc tế kỳ vọng Trung Quốc và Mỹ, với tư cách là hai nước lớn, phải đi đầu trong nỗ lực duy trì hòa bình và an ninh thế giới cũng như thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng toàn cầu. Theo ông Tập Cận Bình, trước thách thức không nhỏ mà nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt, hai nước cần duy trì trao đổi song phương về các vấn đề, gồm phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô, giữ ổn định chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu cũng như bảo vệ năng lượng và an ninh lương thực toàn cầu. “Nỗ lực tách rời hoặc cắt đứt chuỗi cung ứng bất chấp các quy luật cơ bản sẽ chẳng có lợi gì cho kinh tế Mỹ và sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu dễ bị tổn thương hơn”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh khi đề cập đến những nỗ lực của Mỹ nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với các mặt hàng chiến lược.
Đáng chú ý, ông Tập Cận Bình tái khẳng định lập trường nguyên tắc của Trung Quốc đối với Đài Loan, một lần nữa kêu gọi Washington thực hiện 3 thông cáo chung Trung-Mỹ thể hiện các cam kết chính trị của hai bên, đồng thời nhấn mạnh tôn trọng nguyên tắc một Trung Quốc là nền tảng chính trị cho mối quan hệ giữa hai nước. Lập trường của chính phủ và nhân dân Trung Quốc đối với vấn đề Đài Loan là nhất quán, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc là ý chí kiên định của hơn 1,4 tỷ dân nước này.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc thúc giục hai bên cần phối hợp nhằm góp phần “hạ nhiệt” điểm nóng trong khu vực, chấm dứt Covid-19 trên toàn cầu càng sớm càng tốt, giảm nguy cơ lạm phát gây đình trệ và suy thoái kinh tế toàn cầu, đồng thời bảo vệ hệ thống quốc tế với vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hy vọng hai bên duy trì liên lạc cởi mở để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tránh ngộ nhận cũng như các tính toán sai lầm sau này.
Theo đó, Washington sẽ làm việc với Bắc Kinh về những điểm phù hợp lợi ích của hai nước, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, bao gồm điều phối kinh tế vĩ mô, biến đổi khí hậu, an ninh y tế và chống ma túy. Liên quan vấn đề Đài Loan, thông báo của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden nêu rõ chính sách của Mỹ là không thay đổi.
Cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung diễn ra trong bối cảnh hai nước đang trải qua nhiều thách thức. Nền kinh tế trị giá 18.000 tỷ USD của Trung Quốc chịu ảnh hưởng không ít bởi Covid-19, trong khi Mỹ chống chọi với lạm phát nhảy vọt và nỗi lo suy thoái. Giới quan sát cho rằng, ông Biden muốn thiết lập “lan can an toàn” cho hai siêu cường để tránh rơi vào xung đột. Song, đây là thách thức không nhỏ khi vẫn còn rất nhiều khác biệt chưa được tháo gỡ, bao gồm cả “cuộc chiến thương mại âm ỉ” bắt đầu dưới thời Tổng thống Donald Trump.
Hiện, nội bộ chính phủ của Tổng thống Biden vẫn còn chia rẽ về việc có nên bỏ thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc hay không. Một nhóm kêu gọi dỡ bỏ thuế sẽ giúp giảm lạm phát nhưng một nhóm khác lo ngại việc này sẽ làm giảm đòn bẩy trong đàm phán tương lai về điều mà Washington coi là các hành vi thương mại không công bằng của Bắc Kinh. Nhà Trắng đang tính toán phương pháp tiếp cận kép: vừa giúp hạ giá cả cho người dân và giúp ông Biden tránh tác động chính trị trước cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.
THƯ LÊ