Nga bàn kế hoạch rút lui, ISS gặp khó!

.

Cơ quan vũ trụ liên bang Nga (Roscosmos) thông báo, Moscow quyết định rút khỏi Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) sau năm 2024 và bắt đầu xây dựng trạm không gian riêng. Tuyên bố này dường như không nằm ngoài dự đoán song lại đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của trạm vũ trụ 24 tuổi trước nguy cơ sắp chấm dứt sứ mệnh trong vài năm tới.

Hình ảnh Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) được chụp bởi phi hành đoàn của tàu vũ trụ Soyuz MS-19 (Nga) vào ngày 30-3-2022. Ảnh: Roscosmos
Hình ảnh Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) được chụp bởi phi hành đoàn của tàu vũ trụ Soyuz MS-19 (Nga) vào ngày 30-3-2022. Ảnh: Roscosmos

Thông tin trên được ông Yuri Borisov, tân Tổng Giám đốc Roscosmos đưa ra trong buổi gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26-7, trong bối cảnh căng thẳng Nga và phương Tây leo thang do liên quan đến xung đột ở Ukraine.

“Cơn ác mộng của ISS”

Hãng CNN dẫn lời ông Borisov cho biết: “Quyết định rời trạm ISS sau năm 2024 được đưa ra. Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta bắt đầu xây dựng một trạm vũ trụ của Nga”. Dĩ nhiên, Roscosmos sẽ hoàn thành nghĩa vụ đối với các đối tác trong thời gian còn lại. Sau khi rút khỏi ISS, Nga sẽ xúc tiến xây dựng trạm không gian riêng. Tổng thống Putin nhất trí cao với quyết định đầy tham vọng của cơ quan vũ trụ này.

Theo giới quan sát, động thái của Nga là đòn giáng mạnh vào ISS - mô hình hợp tác quốc tế trong nhiều thập kỷ và làm ảnh hưởng đáng kể các hoạt động trong tương lai của trạm này. USA Today dẫn lời nhà khoa học sử học Jordan Bimm nhận định: “Thực tế, nó có thể là một cơn ác mộng mà Nga muốn tạo ra đối với Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và các đối tác còn lại”. ISS được chia thành các khu vực của Nga và Mỹ. Phía Mỹ cung cấp năng lượng cho ISS còn phía Nga cung cấp động cơ đẩy và giữ trạm không rơi xuống Trái đất. Một khi Nga rời ISS, các quốc gia đối tác còn lại phải nhanh chóng triển khai một số phương tiện đẩy khác để giữ ISS an toàn trên quỹ đạo.

Ngày 26-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, động thái của Nga là “một diễn biến đáng tiếc” khi các công trình khoa học quan trọng đang được triển khai tại ISS, đặc biệt theo thỏa thuận mới về hợp tác bay vào vũ trụ. NASA cho biết vẫn chưa nhận được thông báo chính thức từ Nga. Giám đốc NASA Bill Nelson nói rằng, cơ quan này và các đối tác, gồm châu Âu, Nhật Bản và Canada, cam kết đảm bảo ISS hoạt động an toàn tới năm 2030 và tiếp tục xây dựng “các khả năng trong tương lai để đảm bảo sự hiện diện ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp”. Điều phối viên liên lạc chiến lược thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho biết, nước này đang tìm kiếm phương án để giảm thiểu tác động tiềm tàng đối với ISS sau khi Nga rút khỏi.

Theo đài Newsnpr (Mỹ), giới chức Nga từ lâu mong muốn có trạm vũ trụ riêng khi phàn nàn về tình trạng hao mòn của ISS ảnh hưởng tới sự an toàn và khiến trạm này khó kéo dài tuổi thọ. Ông Dmitry Rogozin, lãnh đạo trước đây của Roscosmos nói rằng, ISS sẽ “sụp đổ” vào năm 2030 nếu không có “một số tiền lớn” được đầu tư vào sửa chữa. Các modules của Nga trên ISS đã hết tuổi thọ và việc để duy trì trạm ISS không còn hiệu quả đối với Nga trong môi trường địa chính trị hiện nay.

Giấc mơ mang tên ROSS

Theo đài RT, Roscosmos sẽ dành ưu tiên cho lĩnh vực khoa học vũ trụ, thám hiểm không gian và tiến tới xây dựng trạm vũ trụ riêng của Nga với tên gọi ROSS (Trạm dịch vụ quỹ đạo) sau khi rút khỏi ISS. Công tác xây dựng dự kiến bắt đầu vào năm 2026 và hoàn tất vào năm 2035 với các chức năng tự động hóa và phi hành gia có thể đến đây để bảo dưỡng và thay thế thiết bị. Ưu thế của ROSS là kiến trúc module có thể biến đổi, có thời gian phục vụ dài hơn, hoạt động vì lợi ích quốc phòng và an ninh, sử dụng để lắp ráp một hệ thống thám hiểm liên hành tinh.

EurAsian Times cho biết, ROSS có tối đa 7 module, trong đó NEM-1 (SPM-1) đóng vai trò là module cơ bản và sẽ trải qua quá trình phát triển kéo dài 1,5 - 2 năm. Module đầu tiên của ROSS có thể được phóng trong giai đoạn 2027 - 2028, qua đó đưa Nga trở thành quốc gia thứ hai có trạm vũ trụ riêng hoạt động độc lập sau trạm Thiên Cung của Trung Quốc dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

Đáng chú ý, ROSS sẽ không sử dụng bất kỳ thành phần nào từ Phân đoạn quỹ đạo của Nga trên ISS và dự kiến sẽ ở trong quỹ đạo đồng bộ với mặt trời ở độ cao 400km, qua đó có thể nhìn thấy toàn bộ bề mặt Trái đất, bao gồm cả Bắc Cực. Nhờ quỹ đạo này, ROSS sẽ thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng: cho phép quan sát nước Nga với tần số cao từ không gian, đồng thời giúp việc tiếp cận trạm dễ dàng hơn so với ISS và cho phép thực hiện nhiều thí nghiệm y tế và sinh lý hơn.

Theo giới phân tích, động thái của Nga làm dấy lên những đồn đoán rằng đây là một phần trong chiến dịch của Moscow nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt hà khắc của phương Tây. Sau dầu mỏ, khí đốt, thì giờ đây ngành vũ trụ tiếp tục là mặt trận cạnh tranh mới trong cuộc đối đầu chưa ngả ngũ giữa Nga và phương Tây. 

ISS trị giá khoảng 100 tỷ USD được đồng vận hành bởi Nga, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Canada. Phần đầu tiên của trạm được đưa vào quỹ đạo năm 1998. ISS được sử dụng để tiến hành nghiên cứu khoa học trong điều kiện không trọng lực và thử nghiệm công nghệ cho các chuyến hành trình lên Mặt Trăng và Sao Hỏa trong tương lai. NASA đã công bố kế hoạch ngừng hoạt động của ISS vào tháng 1-2031 bằng cách cho trạm này lao xuống khu vực xa xôi mang tên Point Nemo ở Thái Bình Dương. NASA đã ký thỏa thuận với 3 công ty tư nhân để phóng các trạm vũ trụ thương mại mới ở quỹ đạo thấp vào cuối thập kỷ này.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.