Quốc tế

Thế giới bàng hoàng vĩnh biệt Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo

08:24, 09/07/2022 (GMT+7)

Ngày 8-7, Cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo - nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất ở đất nước mặt trời mọc - qua đời sau khi bị bắn tại cuộc vận động tranh cử ở thành phố Nara. Vụ việc khiến công chúng thế giới hoàn toàn bị “sốc” khi phải vĩnh biệt một lãnh đạo quyết đoán, mạnh mẽ và giàu sức hút.

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo có bài phát biểu tại sự kiện vận động tranh cử ở thành phố Nara ngay trước khi bị bắn vào ngày 8-7-2022 Ảnh: Kyodo
Cựu Thủ tướng Abe Shinzo có bài phát biểu tại sự kiện vận động tranh cử ở thành phố Nara ngay trước khi bị bắn vào ngày 8-7-2022 Ảnh: Kyodo

Đài truyền hình NHK cho biết, Cựu Thủ tướng Abe “không có dấu hiệu sự sống” trước khi được đưa đến bệnh viện. Ông Abe được chở bằng trực thăng y tế đến Đại học Y Nara ở thành phố Kashihara để cứu chữa song phép màu không mỉm cười với vị chính khách này. 

“Vô cùng đau buồn”

Nhật báo Japantimes cho biết cựu Thủ tướng Abe (67 tuổi) bị bắn khi đang phát biểu vận động tranh cử cho đảng Dân chủ tự do tại Nara. Nghi phạm Tetsuya Yamagami (41 tuổi) đã khai với giới chức điều tra rằng ông ta không hài lòng với cựu Thủ tướng Abe và có ý định sát hại chính trị gia này. Cảnh sát đã thu giữ tại hiện trường một khẩu súng, dường như được làm thủ công. Theo NHK, nghi phạm từng phục vụ cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và hiện đang cư trú tại Nara. Cảnh sát Nhật Bản cho biết Yamagami đã bị bắt giữ tại hiện trường với cáo buộc âm mưu giết người.

Trong niềm thương tiếc ông Abe, lãnh đạo nhiều quốc gia gửi lời chia buồn sâu sắc đến chính phủ và người dân Nhật Bản về sự mất mát to lớn này. Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel khẳng định: “Ông Abe Shinzo là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Nhật Bản và đồng minh vững chắc của Mỹ”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng đau buồn cho biết: “Người tuyệt vời, nhà dân chủ vĩ đại và người dẫn dắt trật tự thế giới đa phương đã qua đời”. 

Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gọi ông Abe là “người bạn thân yêu” và cho biết đất nước tổ chức ngày quốc tang vào ngày 9-7 để bày tỏ “sự tôn trọng sâu sắc nhất” đối với vị chính khách Nhật Bản. Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, các nhà lãnh đạo các nước khác, trong đó có Anh, Hàn Quốc, Nga và Singapore cũng gửi lời chia buồn.

Cú sốc về bạo lực súng đạn

Theo The Guardian, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio lên án mạnh mẽ vụ ông Abe bị bắn khi nói rõ: “Cuộc tấn công này là hành động tàn bạo xảy ra trong cuộc bầu cử - nền tảng dân chủ của chúng ta - và hoàn toàn không thể được tha thứ”. Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho biết, công chúng nước này và các nhà lãnh đạo thế giới thực sự “sốc” khi vụ tấn công nói trên xảy ra ở một quốc gia hiếm khi xảy ra bạo lực và tỷ lệ tội phạm do súng thấp nhất thế giới do luật kiểm soát súng cực kỳ nghiêm ngặt với chính sách “không khoan nhượng”.

Hãng Reuters dẫn lời Giám đốc Hội đồng Công nghiệp An ninh Quốc tế Nhật Bản Nancy Snow cho biết: “Vụ việc này không chỉ hiếm mà còn thực sự khó hiểu về mặt văn hóa. Người dân Nhật Bản không thể tưởng tượng có một nền văn hóa sử dụng súng như ở Mỹ. Đây là một khoảnh khắc không nói nên lời”. “Tôi không thể ngừng run rẩy. Đây là sự kết thúc của một Nhật Bản yên bình”, người dùng Twitter có tên Nonochi viết. 

Theo Cơ quan Cảnh sát quốc gia Nhật Bản, chỉ có 6 trường hợp tử vong do súng được báo cáo vào năm 2014, và con số hiếm khi vượt quá 10 ở một quốc gia 126 triệu dân này. Vụ bạo lực súng đạn gần nhất xảy ra ở Nhật Bản là vào năm 2007 khiến một quan chức ở Nagasaki qua đời.

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo (67 tuổi) đắc cử năm 2006 nhưng phải từ chức vào tháng 9-2007 vì viêm loét đại tràng mạn tính. Ông tiếp tục tranh cử và trở thành Thủ tướng từ năm 2012 cho đến khi từ chức tháng 8-2020 vì bệnh cũ. Dù không còn giữ chức thủ tướng, ông Abe vẫn có nhiều ảnh hưởng trong đảng LDP cầm quyền.

“Di sản” nổi bật của Cựu Thủ tướng Abe Shinzo

Chính sách kinh tế “Abenomics”

Kế hoạch cải cách kinh tế được gọi là “Abenomics” do ông Abe đề xuất tập trung vào chi tiêu chính phủ, nới lỏng tiền tệ và giảm bớt tình trạng quan liêu - vốn là rào cản cho doanh nghiệp. Ông Abe cũng thúc đẩy việc tăng thuế tiêu dùng để tài trợ cho nhà trẻ và hệ thống an sinh xã hội của Nhật Bản.

Thành tựu ngoại giao đáng nể:

Ông Abe là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn ngoại giao chiến lược. Là vị thủ tướng có nhiều chuyến công du nhất trong lịch sử Nhật Bản, ông Abe dành rất nhiều công sức cho việc xây dựng những mối quan hệ với các đối tác bên ngoài.  Đặc biệt, ông Abe đã dày công vun đắp mối quan hệ bền chặt với Washington, đồng minh truyền thống của Tokyo.

Đáng chú ý, chính quyền của ông Abe cũng đã thông qua một loạt luật thúc đẩy các chính sách an ninh theo chủ nghĩa hiện thực cũng như quảng bá tầm nhìn về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở. Bên cạnh đó, một cơ cấu đối thoại an ninh 4 bên (còn gọi là “Bộ tứ kim cương”) giữa Nhật, Mỹ, Úc và Ấn Độ do ông Abe đề xuất tạo nên một “vòng kim cô vô hình” kiềm chế sự hiện diện gia tăng của Trung Quốc.

THƯ LÊ

.