Quốc tế
Úc, Trung Quốc đi bước đầu tiên "phá băng" quan hệ
Quan hệ Úc - Trung Quốc bắt đầu xuống dốc từ năm 2018, khi Úc là quốc gia đầu tiên công khai cấm “ông lớn” công nghệ Huawei (Trung Quốc) xây dựng mạng lưới 5G tại nước này vì lo ngại về an ninh. Tiếp đó, năm 2020, Úc yêu cầu mở cuộc điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc và sự lây lan của đại dịch Covid-19 với nghi vấn xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc). Bên cạnh đó, hai bên vướng vào căng thẳng liên quan đến nhân quyền, hoạt động gián điệp…
Đáp trả những động thái nói trên của Canberra, Bắc Kinh áp dụng rào cản thương mại nhằm hạn chế nhập khẩu với các ngành trọng yếu từ Úc khiến các doanh nghiệp nước này chịu thiệt hại hàng chục tỷ AUD mỗi năm. Đặc biệt, vào ngày 6-5-2021, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đình chỉ “vô thời hạn” tất cả hoạt động trong khuôn khổ Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung Quốc - Úc, bước lùi mới trong mối quan hệ song phương.
Lý giải cho động thái này, Bắc Kinh cáo buộc Canberra thực hiện “một loạt các biện pháp làm gián đoạn hoạt động trao đổi và hợp tác bình thường” giữa hai nước. Thực chất, động thái này nhằm đáp trả việc Canberra hủy bỏ 2 thỏa thuận liên quan đến Sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà chính quyền bang Victoria (Úc) đã ký với Trung Quốc.
Trong bối cảnh hiện nay, Úc chứng kiến sự thay đổi trong Chính phủ khi Công đảng trở lại nắm quyền và phải đối mặt với giá cả và lạm phát ngày càng tăng cao. Quan hệ thương mại với Trung Quốc được “phá băng” sẽ góp phần quan trọng giúp nước này vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ở một diễn biến đáng chú ý, ngày 23-5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường gửi lời chúc mừng tân Thủ tướng Úc vừa đắc cử Anthony Albanese, chấm dứt một năm “đóng băng” giao tiếp ngoại giao giữa hai nước. Tân Hoa Xã trích lời chúc mừng của Thủ tướng Lý Khắc Cường nêu rõ: “Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Úc để đánh giá lại quan hệ trong quá khứ, hướng tới tương lai…, thúc đẩy phát triển bền vững mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước”.
Tiếp đó, cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles với người đồng cấp Trung Quốc, Tướng Ngụy Phượng Hòa bên lề Đối thoại Shangrila tại Singapore vào tháng trước, đánh dấu cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa hai nước từ cuối năm 2019.
Mới đây, ngày 8-7, Bộ trưởng Ngoại giao Úc Penny Wong cho biết, nước này có “bước đầu tiên quan trọng” nhằm ổn định quan hệ với Trung Quốc sau cuộc gặp song phương đầu tiên trong gần 3 năm với người đồng cấp Vương Nghị tại Bali (Indonesia) bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Ngoại trưởng Penny Wong thông báo, dù còn nhiều khác biệt, hai nước đều có lợi ích trong việc ổn định mối quan hệ và Chính phủ mới ở Úc sẽ luôn nỗ lực giải quyết các vấn đề một cách thận trọng, nhất quán trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và phù hợp với lợi ích của mỗi bên.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Úc Richard Marles khẳng định, Chính phủ luôn đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu trong quan hệ với Trung Quốc nhưng với cách tiếp cận khác với Chính phủ tiền nhiệm. Ông Marles nói: “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Chúng tôi coi trọng mối quan hệ đó và muốn tiếp cận từ góc độ chuyên nghiệp và hiểu rõ sức mạnh ngoại giao”.
Có thể nói, việc Canberra và Bắc Kinh thực hiện “bước đầu tiên quan trọng” hướng đến “phá băng” dòng chảy thương mại trước để từng bước “cài đặt” lại quan hệ song phương, xét về phương diện nào đó, sẽ có lợi cho đôi bên. Nhưng về lâu dài cho thấy, trong bối cảnh cạnh tranh mang tính chiến lược giữa đôi bên ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng quyết liệt, việc “cài đặt” lại quan hệ song phương sẽ cho “kết quả khiêm tốn”.
Gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh “ngoại giao con thoi” nhằm gia tăng ảnh hưởng ở các đảo quốc Nam Thái Bình Dương như Samoa, Kiribati, Niue và Fiji… vốn được xem là “sân sau” sát sườn của Úc. Trong khi đó, Úc đẩy mạnh hợp tác với Mỹ và các đồng minh để ngăn chặn sự mở rộng của Bắc Kinh thông qua “Chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương” do Mỹ đứng đầu và các hoạt động của Bộ tứ kim cương (QUAD) và liên minh AUKUS (gồm Mỹ, Anh và Úc)… Đặc biệt, dự án tàu ngầm hạt nhân với Mỹ của Úc được Trung Quốc xem là nhân tố để đối đầu trực tiếp trong tương lai.
TUYẾT MINH