WHO: Bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

.

Với hơn 16.000 ca bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận tại 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, sau những chần chừ cân nhắc ở cuộc họp thứ hai ngày 23-7 với ban cố vấn chuyên môn, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) quyết định tuyên bố dịch bệnh này là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Một nhân viên y tế người Ấn Độ đi qua phía trước bảng thông tin liệt kê các nước có nguy cơ cao về bệnh đậu mùa khỉ. Ấn Độ cũng đã ghi nhận ca đầu tiên mắc bệnh này. Ảnh: EFE/EPA
Một nhân viên y tế người Ấn Độ đi qua phía trước bảng thông tin liệt kê các nước có nguy cơ cao về bệnh đậu mùa khỉ. Ấn Độ cũng đã ghi nhận ca đầu tiên mắc bệnh này. Ảnh: EFE/EPA

Như vậy, đây là lần thứ hai trong hai năm qua, WHO đã phải phát đi tuyên bố đáng lo ngại như vậy về dịch bệnh. Lần trước là Covid-19, và lần này là đậu mùa khỉ, căn bệnh chỉ thực sự lây lan trong vài tuần qua ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ và đã có hàng chục ngàn ca mắc.

WHO thận trọng

Thực tế, trong cuộc họp ngày 23-7, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, đưa ra quyết định “đơn phương” khác với ý kiến của hội đồng chuyên gia. Dù ban cố vấn của WHO chưa đồng thuận về việc ra tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế với bệnh đậu mùa khỉ lúc này, nhưng ông Tedros vẫn quyết định làm điều đó - công bố mức cảnh báo cao nhất với một dịch bệnh của WHO.

Ngoài đậu mùa khỉ, theo báo New York Times, WHO hiện chỉ đang dùng cụm khái niệm “Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng quốc tế - PHEIC) với hai bệnh là Covid-19 và bại liệt. Kể từ năm 2007, đây là lần thứ 7 WHO đưa ra tuyên bố này.

“Chúng ta đang chứng kiến một dịch bệnh lây lan khắp thế giới nhanh chóng qua các dạng thức lây nhiễm mới mà chúng ta còn hiểu quá ít về nó”, ông Tedros nói với báo giới. Đây có lẽ là lần đầu tiên người đứng đầu WHO đã không nghe theo ý kiến tham vấn của hội đồng chuyên gia để quyết định đưa ra tuyên bố PHEIC. Ông Tedros cho rằng, mặc dù nguy cơ dịch bệnh này ở toàn cầu còn ở mức trung bình, nhưng đã cao tại châu Âu.

Tuyên bố của WHO là chỉ dấu cho thấy dịch đậu mùa khỉ đã bùng phát ở cấp độ khẩn cấp toàn cầu và cần có sự phối hợp ứng phó ở cấp độ quốc tế. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp như vậy cũng là cơ sở khuyến nghị các nước thành viên của WHO đầu tư thêm những nguồn lực quan trọng vào kiểm soát dịch bệnh, đồng thời thúc giục các nước chia sẻ vắc-xin, thuốc điều trị cũng như các công cụ y tế trọng yếu khác để ngăn chặn dịch bệnh.

Không ngạc nhiên khi một số chuyên gia y tế toàn cầu có ý kiến trái chiều, cho rằng những tiêu chí để WHO đưa ra tuyên bố PHEIC còn mơ hồ và thiếu nhất quán. Trong cuộc họp thứ nhất hồi tháng 6, ban cố vấn của WHO nhất trí cho rằng, dù căn bệnh có nguy cơ lây nhiễm gia tăng đáng lo ngại, nhưng vẫn chưa phải vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu. Trong cuộc họp lần thứ hai hôm 21-7, ông Tedros cũng nói ban cố vấn cũng chưa đi đến đồng thuận về chuyện đó. Nhà lãnh đạo cao nhất của WHO trấn an dư luận khi nói rằng, dịch đậu mùa khỉ sẽ không gây gián đoạn về thương mại cũng như đi lại quốc tế như Covid-19.

Nhóm nguy cơ cao

Bệnh đậu mùa khỉ là mối lo ngại trong nhiều năm qua tại một số nước châu Phi, nhưng chỉ trong vài tuần gần đây căn bệnh này mới lan ra toàn cầu. Tới nay, có ít nhất 16.800 ca được ghi nhận tại 75 quốc gia và vùng lãnh thổ, gấp 5 lần so với số ca vào thời điểm ban cố vấn của WHO họp lần đầu vào tháng 6-2022. Dữ liệu của WHO cho thấy từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, số ca bệnh tăng 77%.

Hầu hết các ca bệnh được ghi nhận tới nay ở bên ngoài châu Phi đều xảy ra trong nhóm nam giới có quan hệ tình dục đồng tính. Đây cũng là một phần lý do khiến các cố vấn của WHO trong cuộc họp tháng 6-2022 cho rằng không nên tuyên bố dịch đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu vì bệnh vẫn chưa lan rộng ra ngoài nhóm nguy cơ cao nhất này.

Báo South China Morning Post dẫn nghiên cứu mới nhất và cũng có quy mô lớn nhất tới nay về bệnh đậu mùa khỉ trên tạp chí y khoa danh tiếng New England Journal of Medicine cho biết, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang diễn ra khác với những gì từng xảy ra ở các nước châu Phi. 95% số ca bệnh được ghi nhận tới nay đều lây qua quan hệ tình dục. Hầu hết các cá nhân trong loạt ca bệnh này cho biết họ là người đồng tính (96%), 2% là song tính và 2% được xác định là dị tính. Các ca tử vong mới chỉ xảy ra ở châu Phi, nơi cũng ghi nhận chủng virus đậu mùa khỉ nguy hiểm hơn những nơi khác. WHO tới nay vẫn cho rằng, virus đậu mùa khỉ không lây lan giống như SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19.

Thái Lan ghi nhận ca đậu mùa khỉ đầu tiên

Một du khách nam giới người Nigeria được xác định là ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ghi nhận tại Thái Lan. Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, sau khi biết bệnh, người này bỏ trốn khỏi khu du lịch Phuket. Sau đó cảnh sát Campuchia tìm thấy người này trú tại một nhà nghỉ ở thủ đô Phnom Penh. Người bệnh đã được đưa tới điều trị tại Bệnh viện hữu nghị Khmer-Soviet. Du khách này là một thanh niên 27 tuổi, bị chẩn đoán mắc đậu mùa khỉ tại thành phố nghỉ dưỡng Phuket hôm 18-7. Trong thời gian ở Phuket, người này tới 2 tụ điểm giải trí. Hiện 142 người có liên quan đang được xét nghiệm.

LÂM PHONG

;
;
.
.
.
.
.