Ankara - đồng minh "đồng sàng dị mộng" với NATO, EU

.

Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh chiến lược của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), là ứng cử viên trong quá trình đàm phán suốt 10 năm qua để gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Song, xét trên nhiều phương diện thực tiễn, đây là quốc gia “đồng sàng dị mộng” với hai đối tác quan trọng này.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bên trái) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Tehran (Iran) vào ngày 19-7-2022.  Ảnh: AFP
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (bên trái) gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Tehran (Iran) vào ngày 19-7-2022. Ảnh: AFP

Ankara gia nhập NATO năm 1952, giúp liên minh này kiểm soát vị trí chiến lược tại điểm giao giữa châu Âu và châu Á, nối giữa Biển Đen với Trung Đông. Đây là nơi Mỹ đặt một căn cứ không quân lớn và cất giữ vũ khí hạt nhân. Thổ Nhĩ Kỳ cũng kiểm soát eo biển Bosphorus, nơi có thể ngăn tàu chiến Nga tiến vào Biển Đen để áp sát Ukraine.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ hiện là vấn đề đau đầu với NATO và EU. Là Thủ tướng và sau đó là Tổng thống, ông Recep Tayyip Erdogan không còn xoay trục nhiều về châu Âu mà duy trì nền chính trị dân túy, đặc biệt sau cuộc đảo chính bất thành nhắm vào ông vào năm 2016.

Sau sự kiện này, Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành truy bắt, xét xử các phần tử đảo chính trên quy mô lớn với hàng vạn thành viên. Mỹ và EU cho rằng, Ankara “vi phạm nhân quyền” nên áp nhiều lệnh trừng phạt lên nước này. Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp mọi phản ứng của NATO và quyết mua nhiều dàn tên lửa phòng không S-400 của Nga. Hành động này như càng chọc giận Washington.

Cuộc chiến ở Syria cũng tạo ra những rạn nứt khó có thể hàn gắn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara tuyên bố không chấp nhận bất kỳ khu vực tự trị nào của người Kurd gần với biên giới nước này. Thổ Nhĩ Kỳ coi sự ủng hộ của Mỹ với Lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo là dấu hiệu nguy hiểm và khiến quan hệ hai bên ngày càng xấu đi. SDF chủ yếu là các tay súng thuộc Đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), lực lượng mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là nhóm “khủng bố” có liên hệ với Đảng Công nhân người Kurd (PKK) đòi ly khai ở nước này.

Cùng với cuộc xung đột Syria và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ trở thành cửa ngõ làn sóng người di cư chưa từng có để tràn vào EU. Thế là Ankara biến nó thành cuộc mặc cả mà EU phải gồng mình để “làm ngọt” với nước này nhằm ngăn chặn dòng người di cư tràn vào châu lục.

Về xung đột ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ không cùng NATO và EU cấm vận chống lại Nga mà giữ thái độ trung gian với vai trò hòa giải đôi bên. Cụ thể, Ankara là nơi diễn ra các cuộc đàm phán Nga-Ukraine ở giai đoạn đầu. Mới đây nhất, Ankara là địa điểm và là bên chủ chốt cho các bên có liên quan đàm phán để ký thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Nga và Ukraine.

Trước đó không lâu, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trở thành “kỳ đà cản mũi” ngăn Thụy Ðiển và Phần Lan gia nhập NATO khi cho rằng cả Stockholm và Helsinki chứa chấp và hỗ trợ “khủng bố”. Sau khi từ bỏ việc phản đối hai nước này gia nhập NATO, mới đây, Tổng thống Erdogan lại tạo ra vấn đề mới - bóng gió rằng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không phê chuẩn thỏa thuận trừ khi Thụy Điển đồng ý dẫn độ về Ankara 73 người mà nước này cáo buộc là khủng bố?!

Đặc biệt, ngay sau chuyến thăm chính thức đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Trung Đông minh chứng cho sự trở lại của Washington ở khu vực này, thì xuất hiện cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ-Iran được xem là tín hiệu về sự hình thành một tam giác liên minh nhằm đối phó với sự can dự của Mỹ.

Kênh France 24 (Pháp) dẫn lời Marc Pierini, cựu Đại sứ EU bên cạnh Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, lý giải: “Quả thật ba nước này họp lại với nhau, dù sao đi chăng nữa, đều trong một thế bị cô lập ngoại giao nào đó vì những lý do hoàn toàn khác biệt. Đối với Nga, hiển nhiên đó là vì xung đột ở Ukraine và các lệnh trừng phạt. Với Iran, chính là cuộc tranh cãi triền miên với Saudi Arabia và nhiều nước Hồi giáo khác và dĩ nhiên còn có vấn đề hạt nhân. Còn với Thổ Nhĩ Kỳ, đó là do thế nước đôi theo như quan điểm của Bruxelles, giữa một bên là thành viên của NATO và bên kia là mối liên hệ chặt chẽ, kể cả trong lĩnh vực quân sự, với Nga”.

Giới phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh “lạ đời” của NATO và EU khi Ankara cũng tham gia với phe hai nước (Nga và Iran) đang bị cấm vận khi có cùng tham vọng hình thành khối địa chính trị đối thủ; đồng minh với Iran, hiện đang đối đầu với một mặt trận mới Israel - Saudi Arabia dưới sự chủ trì của Mỹ; Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm cách xích lại gần với Israel…

Diễn biến đó cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ là “con ngựa bất kham” và toan tính khó lường của NATO và EU. Dẫu sao, giới quan sát đều có chung nhận định: Do nước nào cũng phải bảo vệ các lợi ích chiến lược của riêng mình, sự hình thành không gian địa chính trị mới và tầm ảnh hưởng ngoại giao mới có khả năng cạnh tranh với các cường quốc là tiến trình tế nhị và đầy phức tạp, nên Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia ở điểm giao giữa châu Âu và châu Á, nhất là một khu vực Trung Đông đầy biến động, thì sự “đồng sàng, dị mộng” với NATO và EU cũng là điều dễ hiểu.

 TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.