Gia tăng xu hướng doanh nghiệp Mỹ đưa công xưởng trở về quê nhà

.

Chuỗi cung ứng toàn cầu bấp bênh trong bối cảnh dịch bệnh khó lường và tác động của xung đột ở Ukraine, cùng với chính sách khuyến khích sản xuất ở thị trường nội địa tạo động lực thúc đẩy hàng loạt doanh nghiệp Mỹ ồ ạt đưa công xưởng ở nước ngoài trở về quê nhà. 

Tập đoàn Micron Technology (Mỹ) thông báo dự án mở rộng sản xuất tại quê nhà.  Ảnh: The Register
Tập đoàn Micron Technology (Mỹ) thông báo dự án mở rộng sản xuất tại quê nhà. Ảnh: The Register

Theo dữ liệu của tổ chức Reshoring Initiative chuyên nghiên cứu xu hướng dịch chuyển công xưởng Mỹ được công bố ngày 23-8, việc các doanh nghiệp Mỹ đưa nhà xưởng ở nước ngoài trở về nước hứa hẹn tạo số lượng việc làm cao nhất kể từ năm 2010.

Tăng tốc đưa việc làm về nước

Reshoring Initiative cho biết, gần 350.000 việc làm dự kiến được đưa về Mỹ năm nay sẽ vượt xa con số khoảng 265.000 việc làm được bổ sung vào năm 2021 và gấp hơn 50 lần so với mức 6.000 việc làm được ghi nhận vào năm 2010. 

Theo Wall Street Journal, chỉ trong tháng qua, hàng chục doanh nghiệp Mỹ công bố ý định “hồi hương” để xây dựng nhà xưởng, hứa hẹn tạo nên “thời kỳ phục hưng” cho nền sản xuất nội địa. Tập đoàn Micron Technology có trụ sở tại bang Idaho thông báo dự án mở rộng sản xuất tại quê nhà từ nay đến năm 2030 với số vốn tăng cường lên tới 40 tỷ USD. Micron sẽ tạo ra tới 40.000 việc làm ở thị trường nội địa, gồm 5.000 nhân viên vận hành và kỹ thuật được trả lương cao. Micron dự kiến bắt đầu tiến trình sản xuất vào nửa sau của thập kỷ này và công suất bổ sung giúp đưa thị phần sản xuất chip nhớ tại Mỹ từ 2% lên 10%.

Tương tự, công ty sản xuất vật liệu pin Ascend Elements tiết lộ dự định xây nhà máy vật liệu cho pin lithium-ion trị giá 1 tỷ USD ở Kentucky. “Gã khổng lồ” Qualcomm cũng đồng ý mua thêm 4,2 tỷ USD chip bán dẫn từ nhà máy GlobalFoundries (New York), nâng tổng cam kết mua hàng lên 7,4 tỷ USD cho đến năm 2028, qua đó tăng sản lượng chất bán dẫn ở Mỹ lên 50% trong vòng 5 năm tới. Ascend Elements cũng vạch lộ trình xây dựng cơ sở vật liệu pin lithium-ion trị giá 1 tỷ USD ở Kentucky. Công ty Barclays (Anh) cho biết, các công ty lớn thuộc nhóm S&P 500 (các công ty đại chúng lớn nhất Mỹ) đang tăng cường thuê nhân công trong nước và làm chậm hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) xuyên biên giới.

Lý do đằng sau cuộc dịch chuyển

Ngày 23-8, Wall Street Journal dẫn nhận định của giới chuyên gia sở tại cho biết, đây sẽ là xu hướng dịch chuyển dài hạn trong bối cảnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp làm chao đảo hàng loạt chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, xung đột Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cũng làm dấy lên lo ngại về rủi ro gia tăng. Thực tế này buộc giới đầu tư Mỹ phải chủ động định hướng lại chiến lược sản xuất kinh doanh, trong đó có kế hoạch đưa công xưởng trở về nước để bảo đảm quá trình sản xuất không bị gián đoạn. Ông Jill Carey Hall, chuyên gia về chiến lược vốn cổ phần tại ngân hàng Bank of America Corp cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng đó sẽ là xu hướng dài hạn. Trước Covid-19, doanh nghiệp Mỹ bắt đầu rục rịch đưa việc làm về nước nhưng rõ ràng đại dịch đã thúc đẩy nhanh xu hướng này và nó tiếp tục tăng vọt trong năm nay”.

Lý do khác tạo nên “làn sóng hồi hương” của giới đầu tư Mỹ là việc chính phủ nước này liên tiếp tung ra nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp trở về nước để tạo nguồn việc làm dồi dào. Đáng chú ý nhất là gói hỗ trợ “khủng” cho ngành sản xuất chip điện tử trong nước theo Đạo luật Khoa học và CHIPS. Theo đó, những công ty sản xuất chất bán dẫn, ô-tô điện và dược phẩm trong nước được giảm thuế và hưởng nhiều ưu đãi hấp dẫn khác. Bên cạnh đó, việc chú trọng cắt giảm khí thải trong sản xuất cũng là điều thôi thúc doanh nghiệp cân nhắc trở về Mỹ bởi với cơ chế tính giá xả khí thải đang được áp dụng và sẽ được áp dụng ở nhiều nơi, việc sản xuất ở nước ngoài không còn nhiều lợi thế như trước nữa.

Tuy nhiên, xu hướng đưa công xưởng trở về Mỹ cũng dấy lên lo ngại trong giới lao động về việc các doanh nghiệp tìm cách thay thế nhân công lao động bằng công nghệ tự động hóa. Ông Harry Moser, người sáng lập kiêm Chủ tịch Reshoring Initiative lý giải: “Không có gì phải bàn cãi khi đưa việc làm trở lại quê hương, các doanh nghiệp Mỹ biết rằng họ sẽ phải trả chi phí lao động gấp 3-5 lần so với ở nước ngoài. Vì vậy, họ phải hướng đến tự động hóa”.

Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Tự động hóa Mỹ, trong 3 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Bắc Mỹ đặt hàng 11.595 robot với tổng trị giá 646 triệu USD để phục vụ sản xuất, mức kỷ lục vượt xa số lượng trong năm 2021. Bên cạnh cuộc dịch chuyển vể quê nhà, các doanh nghiệp Mỹ cũng “để mắt” đến Mexico như một điểm đến mới khi họ muốn rút lui khỏi thị trường Trung Quốc. Theo giới quan sát, “chuyển sản xuất về gần quê nhà” (nearshoring) từ Trung Quốc về Mexico, cũng như về Mỹ Latinh và Canada, sẽ giúp tiếp cận nguồn cung dễ hơn và chi phí sản xuất rẻ hơn.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.