Khí đốt kéo Azerbaijan, EU xích lại gần nhau

.

Tháng 7-2022, Liên minh châu Âu (EU) và Azerbaijan ký thỏa thuận năng lượng mới để tăng gấp đôi lượng khí đốt xuất khẩu từ Azerbaijan tới châu Âu. Đây là nỗ lực mới nhất của EU nhằm giảm lệ thuộc vào năng lượng Nga kể từ khi xung đột nổ ra tại Ukraine hồi cuối tháng 2.

Tổng thống Azerbaijan, ông Ilham Aliyev (phải) bắt tay bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu trong cuộc gặp tại thủ đô Baku (Azerbaijan) ngày 18-7-2022. Ảnh: Reuters
Tổng thống Azerbaijan, ông Ilham Aliyev (phải) bắt tay bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu trong cuộc gặp tại thủ đô Baku (Azerbaijan) ngày 18-7-2022. Ảnh: Reuters

Sau khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra, các nhà lãnh đạo EU có thêm những lý do cụ thể và cả những lợi ích “sát sườn” để tích cực hơn trong việc tăng cường hợp tác với Azerbaijan. Ở chiều ngược lại, Azerbaijan cũng thấy tình thế mới đang mở ra các cơ hội lớn cho lợi ích quốc gia.

Chương mới trong quan hệ EU-Azerbaijan

Trong bài viết đăng trên trang web của Học viện Kinh tế và Chính trị London (LSE), Tiến sĩ kinh tế và khoa học chính trị Gubad Ibadoghlu cho biết, trong vài tháng qua, các quan chức EU liên tục tới Azerbaijan. Nếu ngày 15-7 là chuyến thăm của Đại diện đặc biệt EU tại Nam Caucasus, ông Toivo Klaar, tới Baku và gặp Tổng thống Aliyev, thì chỉ 3 ngày sau đó là chuyến công du của bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu. Ngày 18-7, bà Leyen cùng với lãnh đạo Azerbaijan ký ghi nhớ về hợp tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng giữa Azerbaijan và EU.

Thỏa thuận mới sẽ mở đường cho việc tăng thêm đáng kể lượng khí đốt tự nhiên xuất khẩu hàng năm từ Azerbaijan cho châu Âu trong 5 năm tới. Bà Leyen gọi Azerbaijan là “đối tác tin cậy” về năng lượng; đồng thời khẳng định “EU quyết định đa dạng hóa nguồn cung ngoài Nga và hướng tới các đối tác tin cậy hơn… và rất vui mừng khi xem Azerbaijan là một trong số ấy”.

Mỗi năm, Azerbaijan xuất khẩu khoảng 8 tỷ m3 khí đốt sang EU. Theo thỏa thuận mới, Baku dự kiến tăng lượng khí đốt xuất khẩu cho EU trong khuôn khổ của Hành lang khí đốt phía nam (SGC) lên 12 tỷ m3 vào năm 2023 và 20 tỷ m3 vào năm 2027. Thực tế, mối quan hệ hợp tác chiến lược về năng lượng cũng đặt ra trách nhiệm lớn với cả Azerbaijan và EU.

Trước hết, việc mở rộng SGC đòi hỏi những khoản đầu tư rất lớn, tuy nhiên vấn đề quan trọng này không được đề cập trong thông cáo báo chí sau lễ ký kết thỏa thuận nói trên. Theo Tiến sĩ Gubad Ibadoghlu, ở thời điểm hiện tại, Azerbaijan không đủ lượng khí đốt để xuất sang châu Âu theo mục tiêu đặt ra. Muốn tăng sản lượng, cần thêm những khoản đầu tư đó.

Giới chuyên gia đề cập tới tình huống Azerbaijan có thể mua khí đốt của Nga rồi bán lại cho châu Âu. Tuy nhiên, việc này không thể trong tình huống hiện nay khi lệnh trừng phạt của EU liên quan tới khí đốt Nga vẫn còn hiệu lực. Song, ngay cả khi việc này khả thi trong tương lai, vẫn sẽ cần nguồn ngân sách lớn đầu tư để nâng cấp hệ thống đường ống dẫn khí đốt Mozdok-Hajigabul nối giữa Nga và Azerbaijan hiện nay. Năng lực truyền tải tối đa của hệ thống này hiện là 10 tỷ m3 khí đốt.

Thỏa thuận chính trị

Dù thế nào châu Âu cũng phải chờ đợi thêm ít nhất 5 năm nữa thì Đường ống dẫn khí đốt xuyên biển Adrian (TAP) nối giữa Azerbaijan và “lục địa già” mới có thể đạt tới năng lực truyền tải 20 tỷ m3 khí đốt. Nếu nhìn vào tổng lượng xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU vào khoảng 150 tỷ m3/năm có thể thấy ngay cả khi Azerbaijan tăng tối đa năng lực truyền tải hiện có, nước này cũng không thể thay thế Nga trở thành nguồn cung chính cho EU.

Do đó, vai trò của Azerbaijan trong việc giúp EU bớt lệ thuộc năng lượng Nga là khá nhỏ. Tuy nhiên, dù nhỏ vẫn còn hơn không, và điều này cũng phù hợp với các khuyến nghị của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhằm giúp EU giảm lệ thuộc năng lượng Nga, trong đó đề xuất Azerbaijan như một lựa chọn bổ sung khả dĩ.

Tổ chức nghiên cứu ODI (London, Anh) cho rằng, thỏa thuận nói trên chưa thể giải quyết ngay cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại cho EU, nhưng nó cũng mở ra cơ hội về lâu dài cho Baku trong việc tiếp cận nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của khối này. Vì những thực tế đó, dù thỏa thuận giữa Azerbaijan và EU được hai bên ca ngợi là một thành công và có ảnh hưởng quan trọng trong hợp tác năng lượng, nhưng theo giới quan sát, không khó để thấy nó chủ yếu vẫn là một thỏa thuận chính trị.

Với thỏa thuận đó, EU nhắm tới 2 mục tiêu rất rõ ràng, một là giảm tầm ảnh hưởng của Nga tại Azerbaijan và hai là giảm sự lệ thuộc của EU vào năng lượng Nga. Và như đã đề cập, để đạt được mục tiêu thứ hai, EU phải “chịu chi” khoản ngân sách rất lớn mà vào thời điểm hậu Covid-19 với sức ép từ lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế khiến châu Âu không dễ trở tay. Bên cạnh đó, cả hai mục tiêu này đều chịu tác động rất lớn từ kết quả của cuộc xung đột vẫn chưa hạ nhiệt ở Ukraine.

LÂM PHONG

;
;
.
.
.
.
.