Quốc tế

Mỹ trở lại cuộc đua về chất bán dẫn

09:07, 11/08/2022 (GMT+7)

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký dự luật mang tính bước ngoặt về cung cấp 52,7 tỷ USD cho ngành sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn vốn được coi như “xương sống” của công nghệ hiện đại, qua đó giúp Washington gia tăng khả năng cạnh tranh với các nước khác trong nỗ lực hướng đến kỷ nguyên điện tử.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo luật Khoa học và CHIPS cùng với các quan chức chính phủ tại Nhà Trắng vào ngày 9-8. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo luật Khoa học và CHIPS cùng với các quan chức chính phủ tại Nhà Trắng vào ngày 9-8. Ảnh: AP

Khoản trợ cấp dành cho hoạt động nghiên cứu và sản xuất chất bán dẫn này là “điểm sáng” nổi bật trong Đạo luật Khoa học và CHIPS 2022 với mức chi khổng lồ 280 tỷ USD được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó.

“Khoản đầu tư chỉ có 1 lần trong một thế hệ” cho ngành chip

Theo hãng tin Reuters, trong số hơn 52 tỷ USD dành cho ngành chip, 39 tỷ USD sẽ được phân bổ cho các ưu đãi trực tiếp nhằm kích thích sản xuất để thúc đẩy việc xây dựng và mở rộng các nhà máy sản xuất bán dẫn. Số tiền này được phân bổ trong 5 năm, với 19 tỷ USD được giải ngân trong năm nay và 5 tỷ USD mỗi năm tới năm 2026. Đây được xem là một trong những mức chi “khủng” về công nghiệp sản xuất chất bán dẫn của Mỹ trong nhiều thập kỷ, theo Nikkei Asia.

Phát biểu tại lễ ký kết ngày 9-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh: “Mỹ đã phát minh ra chất bán dẫn và luật này đưa chất bán dẫn trở về quê nhà. Việc này là vì lợi ích kinh tế và lợi ích an ninh quốc gia Mỹ”. Ông Biden ca ngợi đạo luật trên là “khoản đầu tư chỉ có 1 lần trong một thế hệ” cho ngành công nghiệp chip, giúp cường quốc này giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh về kinh tế trong thế kỷ 21.

Ông Thomas Caulfield, Giám đốc điều hành GlobalFoundries, hãng đúc chip của Mỹ cho biết, đạo luật về chip “giúp bảo vệ nền kinh tế, chuỗi cung ứng và an ninh quốc gia của Mỹ thông qua quá trình thúc đẩy sản xuất bán dẫn trên lãnh thổ quốc gia”. Thực tế, ngoài lợi ích kinh tế, khoản đầu tư cũng tạo đòn bẩy cho sản xuất con chip tiên tiến trong hệ thống vũ khí hiện đại của Mỹ, chẳng hạn như tên lửa Javelin, qua đó gia tăng sức mạnh an ninh quốc gia.

Theo CNBC, những người ủng hộ cho rằng, gói đầu tư rất cần thiết hồi sinh ngành công nghiệp chip đang dần “thất thế” của Mỹ. Theo Hiệp hội Ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ, đến nay, tỷ trọng của Mỹ trong tổng sản lượng bán dẫn toàn cầu đã giảm từ 37% xuống còn 12% trong khi 75% sản lượng ngành bán dẫn toàn cầu nằm ở châu Á. Theo giới quan sát, hơn 52 tỷ USD tài trợ cho ngành bán dẫn không phải con số “khủng” khi cả Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã chi mạnh tay hơn. Trung Quốc xác định bán dẫn là ngành công nghiệp chủ chốt của nước này trong kế hoạch kinh tế 5 năm nên đã đi trước một bước khi “rót” 150 tỷ USD cho sản xuất chất bán dẫn, đặc biệt là những con chip tinh vi.

Dù ở mức độ còn khiêm tốn so với các đối thủ nhưng gói đầu tư táo bạo của Mỹ cũng phát tín hiệu cho thấy Washington sẵn sàng giành lại “ngôi vương” trong cuộc chiến chất bán dẫn. “Chúng ta từng đứng số 1 thế giới về nghiên cứu và phát triển. Bây giờ chúng ta đứng thứ 9. Còn Trung Quốc đứng thứ 8 cách đây nhiều thập kỷ, giờ đây họ đứng thứ 2”, ông Biden cho biết.

Nhà Trắng cho biết, việc thông qua dự luật về chip được kỳ vọng đón đầu làn sóng đầu tư mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực trọng yếu này. Theo Reuters, ngày 8-8, hãng khổng lồ vi xử lý Qualcomm thông báo mua thêm 4,2 tỷ USD chip bán dẫn từ GlobalFoundries, nâng mức cam kết giao dịch lên tổng cộng 7,4 tỷ USD từ giờ đến năm 2028.

Liên minh “Chip 4” sẽ định hình?

Chính quyền của Tổng thống Biden mới đây đề xuất ý tưởng về một liên minh các nhà sản xuất chip bán dẫn gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) với tên gọi liên minh “Chip 4”. Cơ chế này được xem là nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giới quan sát lo ngại về một số việc thành lập “bộ tứ siêu chip” này nhiều khả năng còn “nút thắt” khi Hàn Quốc tỏ ra thận trọng khi tham gia liên minh mới này. Seoul cực kỳ nhạy cảm với cụm từ “liên minh chip bán dẫn” và cho biết sẽ thay thế cụm từ trên bằng thuật ngữ “đối tác hợp tác về chuỗi cung ứng chất bán dẫn”.

Theo Yonhap, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tiết lộ nước này sẽ tham gia cuộc họp sơ bộ với liên minh dự kiến diễn ra vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới để quyết định về khả năng tham gia của Hàn Quốc. Bên cạnh đó, việc Đài Loan (Trung Quốc) có mặt trong liên minh sẽ là vấn đề đáng quan ngại. 

Thực tế, Mỹ đang nắm giữ các công nghệ gốc ở lĩnh vực chip bán dẫn, trong khi 3 thành viên dự kiến trong “Chip 4” sở hữu công nghệ sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này, qua đó giúp liên minh này giành được vị trí thống trị chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

THƯ LÊ

.