JPMorgan, một trong những tập đoàn tài chính lâu đời nhất tại Mỹ, vừa chia sẻ báo cáo đánh giá của họ cho biết, Nga hầu như không gặp khó khăn gì trong việc điều chuyển dầu xuất khẩu từ thị trường châu Âu sang các nước khác sau khi xảy ra xung đột tại Ukraine.
Nga đã xoay chuyển tình thế kịp thời khi chuyển lượng dầu xuất khẩu đáng lẽ tới châu Âu qua các nước châu Á. TRONG ẢNH: Một tàu chở dầu cập cảng Transneft-Kozmino ở vùng Viễn Đông, Nga. Ảnh: Reuters |
Cũng trong báo cáo này, JPMorgan cho biết, những dự báo của giới quan sát kể từ khi bùng nổ xung đột tại Ukraine thì sản lượng dầu xuất khẩu của Nga sẽ giảm trên thực tế là “chưa bao giờ xảy ra”.
Nga bán dầu cho nhóm BRICS
Cuối tuần qua, bà Natasha Kaneva, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản toàn cầu thuộc JPMorgan, giải thích với các khách hàng rằng, chính nhờ hoạt động sản xuất dầu tốt hơn dự tính ở Nga, cùng với việc giải phóng các kho dầu dự trữ chiến lược toàn cầu nên giá dầu thô gần đây đã giảm.
Lượng dầu thô của Nga xuất khẩu sang châu Âu - thị trường lớn nhất của Moscow - giảm rất sâu trong năm 2022 do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sau khi xung đột bùng lên tại Ukraine vào ngày 24-2. Tuy nhiên, Moscow đã xoay chuyển tình thế kịp thời khi chuyển lượng dầu xuất khẩu đáng lẽ tới châu Âu đó qua các nước châu Á, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc là hai nước tăng cường lượng mua vào rất lớn.
Lượng dầu thô Trung Quốc nhập từ Nga đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 5-2022, tăng 55% so với cùng kỳ năm trước, đẩy Saudi Arabia xuống vị trí nhà cung cấp dầu lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Đài CNN dẫn dữ liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết, trong tháng 5, trung bình mỗi ngày Trung Quốc nhập khoảng 1,98 triệu thùng dầu từ Nga, cao hơn mức 1,59 triệu thùng/ngày của tháng 4. Không chỉ dầu, Nga cũng đang tăng thêm lượng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc, theo hãng tin Bloomberg.
Bên cạnh đó, nhu cầu dầu trong nước của Nga cũng tăng cao nên khiến hoạt động sản xuất dầu của họ đã hồi phục lại mức công suất trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. “Lượng hàng xuất khẩu của Nga được điều chỉnh tới các bên mua khác mà không có sự gián đoạn nghiêm trọng nào với hoạt động sử dụng của họ”, bà Kaneva nói với cộng sự và khách hàng của JPMorgan.
Thông tin từ JPMorgan xác nhận lại những tuyên bố trước đó vào ngày 22-6 của Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi ông nói Nga đang điều chuyển lại các lô dầu thô xuất khẩu tới “các đối tác quốc tế tin cậy”, mà trước hết là các nước trong nhóm BRICS như Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ở thời điểm đó, theo ông Putin, thương mại giữa Nga và các nước BRICS đã tăng 38%, đạt 45 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm 2022.
Nga tìm giải pháp độc lập tiền tệ
JPMorgan ước tính, trong quý 3 năm nay, sản lượng dầu mỗi ngày của Nga đạt 9,95 triệu thùng, nhiều hơn so với mức 9,76 triệu thùng/ngày cùng kỳ năm trước. Tập đoàn này nhận định trong năm 2023 sản lượng này sẽ rút xuống còn khoảng 9,5 triệu thùng/ngày, nhưng sẽ tiếp tục duy trì ở mức tương đối bền vững như vậy bất chấp việc EU cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu của Nga.
Thực tế, giá dầu thế giới đã giảm trong những tuần qua khi nguồn cung thế giới tăng cao hơn dự tính và nhu cầu tiêu thụ dầu chắc chắn sẽ giảm trong các tháng tới do kinh tế thế giới đang giảm tốc. Trong khoảng 1 tháng qua, giá dầu thô WTI - giá dầu tiêu chuẩn của Mỹ - giảm khoảng 10% và cuối tuần qua đang được giao dịch ở mức 98 USD/thùng. Rõ ràng nguồn thu nhập ổn định và khổng lồ từ dầu và khí đốt tự nhiên đã giúp chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin giữ vững tỷ giá đồng ruble và tháo gỡ đáng kể sức ép cho nền kinh tế đang bị dồn ép từ khắp nơi.
Song song với việc tìm kiếm thị trường mới cho dầu và khí đốt để ứng phó với Mỹ và EU, Nga cũng tiếp tục lựa chọn thêm các kênh thanh toán thay thế cho hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT để kết nối ngân hàng của Nga với các nước, đặc biệt những nước thuộc BRICS, giảm dần lệ thuộc vào đồng USD.
“Hệ thống thanh toán MIR của Nga đang mở rộng sự hiện diện. Chúng tôi đang khám phá khả năng tạo ra một đồng tiền dự trữ quốc tế dựa trên rổ tiền tệ của nhóm BRICS”, báo Times of India dẫn phát biểu của ông Putin tại Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS hồi tháng 6-2022. Dù vậy, giới chuyên gia quốc tế vẫn nhận định kinh tế Nga sẽ giảm tốc trong năm nay do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, cấm vận kinh tế của phương Tây.
Nguy cơ khối Eurozone suy thoái kinh tế Trong tuần qua, các ngân hàng JPMorgan và Goldman Sachs đều đưa ra dự báo nguy cơ suy thoái kinh tế sẽ xảy ra trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) năm nay. Trang Hellenicshippingnews dẫn quan điểm của nhóm các nhà kinh tế tại Goldman Sachs nhận định, tăng trưởng kinh tế của khối Eurozone sẽ giảm 0,1% trong quý 3 và giảm thêm 0,2% trong quý 4 năm nay. JPMorgan dự báo cuộc khủng hoảng khí đốt tự nhiên ở châu Âu cùng với những hỗn loạn trong chính trường Ý sẽ đẩy EU vào tình trạng suy thoái vào đầu năm 2023 và hạn chế khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu tiếp tục tăng lãi suất. Trước đó, ngày 26-7, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo cả châu Âu và Mỹ hầu như sẽ không tăng trưởng kinh tế trong năm tới nếu Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu và tiếp tục cắt giảm thêm lượng dầu thô xuất khẩu. |
LÂM PHONG