Tuần này, Saudi Arabia cảnh báo, nước này có thể dẫn dắt nhóm OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu. Giới quan sát cho rằng, với tuyên bố này, Riyadh muốn gửi thông điệp tới chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong bối cảnh Washington đang gần như sẵn sàng nối lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 - Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Thái tử Saudi Arabia, ông Mohammed bin Salman (bên phải) cụng nắm tay chào Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến công du của ông tới Jeddah (Saudi Arabia) vào ngày 15-7-2022. Ảnh: AP |
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, đã thận trọng không đả động gì tới Iran - quốc gia đối đầu lớn nhất trong khu vực - mà chỉ tập trung vào “tính thất thường” của thị trường dầu mỏ vốn đã mất giá khoảng 25USD/thùng kể từ đầu tháng 6 tới nay khi nói về dự tính cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Riyadh “nhắn nhe” Washington
Theo báo Financial Times, giới chuyên gia am hiểu chiến lược của Saudi Arabia nhận định, sự can thiệp bất ngờ của Riyadh vào sản lượng dầu được thúc đẩy một phần từ mong muốn “làm rõ” cho phía Mỹ thấy trước những hậu quả có thể xảy ra nếu thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 được hồi sinh và dầu mỏ của nước Cộng hòa Hồi giáo được trở lại thị trường.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hối thúc Saudi Arabia tăng sản lượng dầu sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Mong muốn tăng thêm nguồn cung dầu lớn tới mức ông Biden phải tạm gác những mắc mứu rất lớn trong quan hệ với Saudi Arabia kể từ sau vụ nhà báo đối lập Jamal Khashoggi của tờ Washington Post bị sát hại tại Istanbul 4 năm trước để có chuyến công du tới Jeddah trong tháng 7. Tuy nhiên, sau chuyến công du của ông Biden, Saudi Arabia chỉ tăng lấy lệ sản lượng dầu.
Giờ đây, những tín hiệu tích cực từ việc khôi phục JCPOA, cùng với khả năng dầu mỏ Iran sớm trở lại thị trường đã khiến Saudi Arabia lo ngại giá dầu tiếp tục giảm mạnh, bên cạnh những nỗi lo khác về an ninh. Ngày 23-8, Mỹ cho biết, “vẫn còn những khoảng cách” giữa Washington và Tehran trong nội dung dự thảo thỏa thuận hạt nhân. Iran đã nhận được phản hồi từ Mỹ cho những đề xuất của họ và dự kiến sẽ sớm có phản hồi.
Bà Helima Croft, cựu chuyên gia phân tích thuộc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) và hiện là chuyên gia về OPEC của ngân hàng đầu tư toàn cầu RBC Capital Markets (Canada) cho biết: “Hồi đầu năm nay, tôi nghĩ rằng, thật hợp lý khi Saudi Arabia và các nước khác trong khu vực tự tin với khả năng thỏa thuận hạt nhân sẽ không xảy ra trong tương lai gần. Song, giờ đây, khi các cuộc đàm phán đã được khôi phục, tôi nghĩ họ sẽ tập trung vào cả thị trường dầu mỏ lẫn những hệ quả an ninh lớn hơn khi thỏa thuận này có tiềm năng đi tới đích”.
Từ lâu, Saudi Arabia đã phản đối mối quan hệ hữu hảo trở lại giữa Mỹ và Iran. Năm 2017, quốc gia này ủng hộ mạnh mẽ quyết sách của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Donald Trump khi Washington rút khỏi thỏa thuận này - đảo ngược một trong những thành tựu chính sách đối ngoại tiêu biểu nhất của người tiền nhiệm Barack Obama.
Giá dầu có thể xuống 70 USD/thùng?
Theo các chuyên gia, về phần mình, Iran cũng muốn gửi thông điệp tới Nhà Trắng rằng họ có vai trò chi phối với thị trường dầu mỏ và cũng có những lo ngại an ninh cần được ghi nhận đầy đủ. Một thỏa thuận hạt nhân mới giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức), nếu được khôi phục, có thể giúp phục hồi lượng xuất khẩu khoảng 1,3 triệu thùng dầu/ngày của Iran, tương đương khoảng 5% tổng nguồn cung của OPEC, qua đó giúp giải tỏa đáng kể nỗi lo thiếu dầu trong bối cảnh châu Âu đang siết chặt các lệnh trừng phạt với dầu thô của Nga. Dù Iran sẽ cần thêm thời gian để nâng cao năng suất cũng như sản lượng song quốc gia có sẵn lượng dự trữ dầu lớn trong các bể chứa ngoài biển.
Thực tế, sự can thiệp của Saudi Arabia với thị trường dầu thế giới có thể trở thành vấn đề khó xử với chính quyền của ông Biden. Nhà Trắng đang nỗ lực kiềm chế giá xăng trong nước trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11-2022. Trong những tuần qua, giá nhiên liệu tại Mỹ đã giảm dần ổn định.
Ông Gary Ross, chuyên gia kỳ cựu theo dõi hoạt động của OPEC và là cựu lãnh đạo của công ty tư vấn năng lượng Pira, bình luận: “Từ góc nhìn của chính quyền ông Biden, đó sẽ là tín hiệu không thiện chí từ Saudi Arabia. Nước này rõ ràng muốn mức giá sàn của dầu là 100 USD/thùng và cho tới nay Hoàng tử Abdulaziz đã thành công trong việc thay đổi tâm lý thị trường”. Hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects cho hay, nếu Iran có thể tái gia nhập thị trường dầu mỏ, giá dầu thô có thể hạ xuống dưới mức 80 USD/thùng hoặc thậm chí là 70 USD/thùng khi OPEC+ không hạ sản lượng. Chuyên gia Amrita Sen tại Energy Aspects bình luận: “Saudi Arabia hoàn toàn không muốn mất quyền kiểm soát giá dầu”.
LÂM PHONG