Quốc tế
Thách thức không nhỏ trong nỗ lực thực hiện hiệp ước NPT
Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) ra đời 1968 với sự tham gia của Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc. Những nước từ chối ký NPT nhưng vẫn trang bị vũ khí hạt nhân là Ấn Độ, Pakistan và Israel. Còn CHDCND Triều Tiên tham ra NPT rồi rút khỏi vào năm 2003, luôn đòi được thừa nhận là nước có vũ khí hạt nhân. Iran cũng muốn nổi lên là cường quốc hạt nhân và đang bị nghi ngờ có chương trình trang bị vũ khí hạt nhân. Hiện thế giới đang đối mặt với thách thức vô cùng nghiêm trọng trong nỗ lực kiểm soát, ngăn chặn và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Sau hơn 50 năm tồn tại, những mục tiêu của NPT đặt ra vẫn còn xa mới đạt được. Một thực tế đáng buồn là có khoảng 45% nhân loại đang sống tại những nước có vũ khí hạt nhân. Số đầu đạn hạt nhân toàn cầu tuy không bằng đỉnh điểm (70,000) dưới thời Chiến tranh Lạnh nhưng vẫn còn đến hơn 13.000 đầu đạn, và trong số này, Mỹ và Nga nắm giữ đến 90%. Còn Trung Quốc, ước tính có thể sở hữu đến 700 đầu đạn hạt nhân vào năm 2027 và 1.000 đầu đạn cho 3 năm tiếp theo.
Sự kiện đáng chú ý về vấn đề vũ khí hạt nhân được dư luận hết sức quan tâm là năm 2019, Nga và Mỹ lần lượt rút khỏi Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết năm 1987 giữa Washington và Moscow, kích hoạt cuộc đua mới về trang bị vũ khí hạt nhân đúng vào lúc các cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực không gian và mạng tin học phát triển mạnh chưa từng có.
Những năm gần đây, cuộc đua này mang sắc thái khác, đó là: tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, tên lửa hạt nhân cất trong các hầm chứa không cùng hạng với các loại vũ khí được cho là “chiến thuật”. Đặc biệt, có loại tên lửa siêu thanh mang đầu đạn hạt nhân bố trí trên các phương tiện khác nhau dễ di chuyển, hoặc nó được cất giấu trong các hệ thống vũ khí truyền thống và có độ chính xác cao ngày càng phổ biến… Hiện, vấn đề hạt nhân của Iran đang trong quá trình đàm phán lại giữa Tehran với các cường quốc để khôi phục Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015.
Sau nhiều lần trì hoãn do Covid-19 kể từ năm 2020, hội nghị lần thứ 10 về NPT được tổ chức từ ngày 1 đến 26-8-2022 tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) với sự có mặt tất cả thành viên. Tại đây, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh, nhân loại đang hiểu sai, nhận định sai về tính hủy diệt của vũ khí hạt nhân và thế giới đang đứng trước nguy cao nhất về vũ khí hạt nhân kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Ông Guterres tuyên bố, hội nghị là “cơ hội để củng cố NPT và điều chỉnh cho phù hợp với thế giới ngày nay”; đồng thời hy vọng, việc tái khẳng định không phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ kéo theo “cam kết mới” nhằm làm giảm kho vũ khí hạt nhân.
Trong thư gửi đến hội nghị vào ngày 1-8, Tổng thống Nga Vladimir Putin viết: “Nga luôn tuân thủ tinh thần và quy định của hiệp ước. Các nghĩa vụ của chúng tôi theo sát các thỏa thuận song phương với Mỹ về việc cắt giảm và hạn chế các vũ khí liên quan cũng được hoàn thành đầy đủ”. Ngoài ra, ông Putin khẳng định Moscow tin rằng, “một cuộc chiến hạt nhân không bao giờ được phép diễn ra”.
Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, các nước ký NPT nên sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình mà không cần bất cứ điều kiện nào và Moscow “sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử với các đối tác”.
Hãng tin RT ngày 2-8 dẫn lời ông Phó Thông, Cục trưởng Cục Kiểm soát vũ khí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng, Mỹ nên rút toàn bộ vũ khí hạt nhân khỏi châu Âu và chấm dứt việc triển khai vũ khí hủy diệt hàng loạt ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Trong một diễn biến liên quan, trước thềm hội nghị, ngày 1-8, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi Nga và Trung Quốc bắt đầu đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân. Song, Trung Quốc vẫn bác bỏ với lý do kho vũ khí hạt nhân của nước này quá nhỏ.
Ông Biden nhắc lại, Washington sẵn sàng đàm phán về một hiệp ước thay thế New START - hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân liên lục địa giữa Mỹ và Nga - sẽ hết hiệu lực vào năm 2026. Tuy nhiên, ngày 3-8, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết: “Đã trở thành thói quen, khi họ (Mỹ) thông báo vấn đề và sau đó lãng quên chúng. Không có các cách tiếp cận với chúng tôi để khởi động tiến trình đàm phán”.
Những diễn tiến trên cho thấy, việc thực thi NPT, thậm chí ngăn ngừa một cuộc chiến tranh hạt nhân tiềm ẩn, vẫn là thách thức vô cùng nghiêm trọng đối với cộng đồng quốc tế, khi mà lợi ích địa chính trị của các cường quốc thay đổi nhanh chóng, thì nguy cơ đó vô cùng phức tạp, khó lường.
TUYẾT MINH