Quốc tế

Thế giới tuần qua: Cuộc họp ba bên giữa LHQ, Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine; nguy cơ Covid-19 tái bùng phát

06:55, 21/08/2022 (GMT+7)

Cuộc họp ba bên giữa LHQ, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ về giải pháp chấm dứt xung đột và nguy cơ Covid-19 tái bùng phát khi số ca tăng kỷ lục tại nhiều nước là những vấn đề nổi cộm trong tuần qua.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bắt tay sau cuộc gặp ở Lviv. Ảnh: AP
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa), Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bắt tay sau cuộc gặp ở Lviv. Ảnh: AP

Nguy cơ thảm họa hạt nhân và vấn đề xuất khẩu ngũ cốc trong cuộc gặp 3 bên

Trong tuần qua, ngà 18-8, Tổng thư kí LHQ Antonio Guterres và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky ở Lviv trong bối cảnh tình hình xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine vẫn căng thẳng.

Kể từ khi các lực lượng Nga kiểm soát nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu vào tháng 3, tình hình đã trở nên tồi tệ. Moskva và Kiev đã cáo buộc nhau pháo kích vào nhà máy, trong khi cuộc giao tranh đã làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 18-8 cho biết đã yêu cầu LHQ đảm bảo an ninh tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia. "LHQ phải đảm bảo an ninh cho mục tiêu chiến lược này, phi quân sự hóa và giải phóng hoàn toàn khỏi các lực lượng Nga", ông Zelensky nói trong một tuyên bố sau cuộc gặp thành phố Lviv, miền Tây Ukraine.

Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng cảnh báo cuộc khủng hoảng xung quanh nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye vẫn vô cùng phức tạp và bất kỳ hành động khiêu khích nào cũng có thể dẫn đến thảm họa. LHQ đang kêu gọi phi quân sự hóa cơ sở hạt nhân, điều mà Nga cho rằng điều này sẽ khiến nó càng dễ bị tổn thương hơn trong hoàn cảnh hiện nay.

Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh rằng nhà máy Zaporozhye không được sử dụng trong bất kỳ hoạt động quân sự nào. Thay vào đó, theo ông Guterres, một thỏa thuận khẩn cấp là cần thiết để khôi phục cơ sở hạ tầng dân sự tại nhà máy điện hạt nhân và đảm bảo an ninh khu vực xung quanh, trong khi các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế có thể đến thăm nhà máy hạt nhân từ Kiev, do đã có thỏa thuận giữa Nga và Ukraine. Về phần mình, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng thế giới không cần "một Chernobyl khác".

Nhưng cho đến nay, Moskva đã bác bỏ các đề xuất của LHQ về Zaporizhzhia. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Ivan Nechaev cho biết việc LHQ kêu gọi phi quân sự hóa khu vực xung quanh nhà máy hạt nhân do Nga kiểm soát là "không thể chấp nhận được". Hãng thông tấn Nga RIA Novosti dẫn lời đại diện chính thức của Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, cho rằng Kiev "đang chuẩn bị một vụ khiêu khích nhằm gây tiếng vang tại nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye trong chuyến thăm Ukraine của ổng thư ký LHQ António Guterres.

Cuộc gặp 3 bên mới nhất trên cũng tập trung vào việc giải quyết vấn đề xuất khẩu ngũ cốc và đưa ra các lựa chọn cho một giải pháp ngoại giao tiềm năng cho cuộc xung đột ở Ukraine.

Ông Guterres kêu gọi Nga và Ukraine tiếp tục "tinh thần thỏa hiệp" trong việc thực hiện một thỏa thuận do LHQ làm trung gian cho phép Ukraine nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng ở Biển Đen. Ông nói với các phóng viên: “Kể từ khi xung đột nổ ra, không có giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mà không cần sự đảm bảo cũng như tiếp cận toàn cầu với các sản phẩm lương thực của Ukraine cũng như thực phẩm và phân bón của Nga”.

Tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ LHQ giúp môi giới thỏa thuận mở đường cho Ukraine xuất khẩu 22 triệu tấn ngô và các loại ngũ cốc khác bị mắc kẹt tại các cảng Biển Đen kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt của họ vào ngày 24-2. Cho đến nay, thỏa thuận ngũ cốc dường như đang được duy trì, với Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 622.000 tấn ngũ cốc đã được vận chuyển từ các cảng Biển Đen của Ukraine.

Một tàu chở ngũ cốc Ukraina rời cảng Odesa, Ukraine. Ảnh: Reuters
Một tàu chở ngũ cốc Ukraina rời cảng Odesa, Ukraine. Ảnh: Reuters

 Trước khi ba nhà lãnh đạo gặp nhau, Tổng thống Ukraine Zelensky đã hội đàm song phương với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan. Ankara, với mối quan hệ chặt chẽ với cả Moskva và Kiev, đã đóng một vai trò quan trọng trong các nỗ lực ngoại giao trong suốt cuộc xung đột. Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định cuộc xung đột ở Ukraine nên được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao. Ông Erdogan nói: “Chúng tôi sẵn sàng đóng vai trò là bên điều phối hoặc hòa giải để hướng tới mục tiêu làm sống lại các cuộc đàm phán về các nội dung được định hình ở Istanbul”.

Dịch Covid-19 tái bùng phát, số ca tăng kỷ lục tại nhiều nước

Trong tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 mới đã tăng đột biến ở nhiều nước trên thế giới, làm dấy lên lo ngại về sự tái bùng phát của đại dịch này.

Tại châu Âu, theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Italy ngày 18-8, nước này ghi nhận hơn 27.000 ca mắc mới, giảm so với hơn 36.000 ca ghi nhận một ngày trước, song tăng gấp 3 lần so với mức dưới 10.000 ca-ngày trong những ngày trước đó. Ngược với xu hướng giảm cách đây 1 tháng, số ca mắc mới Covid-19 tại Italy đang tăng trở lại với mức tăng 14,4% trong tuần qua.

Số ca tử vong theo ngày do Covid-19 tại Italy gần đây cũng tăng, với 147 ca ngày 18-8,  từ 128 ca một ngày trước, 70 ca vào ngày 16-8 và 42 ca vào ngày 15-8. Tỷ lệ tử vong tăng, nhưng vẫn thấp hơn mốc đỉnh hơn 400 ca-ngày hồi đầu năm nay và gần 1.000 ca-ngày trong 2 đợt dịch nghiêm trọng xảy ra năm 2020. Italy có tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 thuộc hàng cao nhất trong Liên minh châu Âu. Tính đến ngày 18-8, đã có 94,1% dân số trên 12 tuổi được tiêm vaccine đủ liều hoặc đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc Covid-19 trong 6 tháng trước.

Ở Trung Đông, giới chức y tế Israel đang lo ngại khả năng các ca bệnh cúm kết hợp với bệnh Covid-19 tạo ra một làn sóng lây nhiễm nguy hiểm mới vào mùa đông năm nay. Theo Tiến sĩ Sharon Alroy Preis - Trưởng Cơ quan Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế Israel - vũ khí tốt nhất để chống lại cả 2 loại virus trên vẫn là tiêm phòng vaccine đầy đủ. Bà Preis nêu rõ: "Chúng tôi dự đoàn rằng trong tháng 10 và tháng 11 sẽ xuất hiện một làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới… Sự kết hợp giữa virus gây bênh Covid-19 và virus gây bệnh cúm có thể là một vấn đề. Chúng tôi đang chuẩn bị vaccine cho tình huống này. Chúng ta có thể tiêm cùng lúc 2 loại vaccine này".

Tại châu Á, Nhật Bản ngày 19-8 ghi nhận hơn 260.000 ca mắc mới Covid-19, mức cao kỷ lục trong ngày thứ hai liên tiếp. Theo thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, có tới 261.252 ca mắc mới Covid-19 trong ngày 19-8, vượt mức kỷ lục 255.000 ca ghi nhận một ngày trước đó. Thủ đô Tokyo ghi nhận số ca mắc mới cao nhất trên cả nước với 27.676 ca, kế đến là thành phố Osaka với 22.798 ca, tỉnh Aichi 17.716 ca và Fukuoka với 15.726 ca.    

Số ca mắc mới gia tăng mạnh trong bối cảnh quốc gia Đông Bắc Á này đang trải qua làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 7 do dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh gây ra. 

Kiểm tra COVID-19 tại một sân bay của Ấn Độ. Ảnh: Indianexpress.com
Kiểm tra Covid-19 tại một sân bay của Ấn Độ. Ảnh: Indianexpress.com

Trong 24 giờ qua, số ca mắc mới Covid-19 tại Ấn Độ đã lên tới 15.754, đưa tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 44.314.618. Đây là thông báo của Bộ Y tế Ấn Độ ngày 19-8. Ấn Độ cũng ghi nhận 47 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong vì dịch bệnh Covid-19 lên 527.253 trường hợp. Theo Bộ Y tế Ấn Độ, độ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 ở nước này đã vượt 2 tỷ liều và tính đến ngày 19-8 đã có gần 2 tỷ 93 triệu liều đã được tiêm.

Trong khi đó, Hàn Quốc thông báo ghi nhận 138.812 ca mắc mới Covid-19 tính đến nửa đêm 18-8, so với 24 giờ trước, đưa tổng số ca mắc lên 22.000.037. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật Hàn Quốc (KDCA), số ca mắc mới trong ngày giảm so với số ca mắc mới 1 ngày trước đó là 178.574, tuy nhiên cao hơn số ca mắc mới ngày 1 tuần trước là 128.675 ca.  Trong tuần qua, số ca mắc trung bình theo ngày là 126.926.

Các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra khuyến nghị tiêm vaccine bổ sung lần hai để tăng cường hệ miễn dịch cho những người dễ bị tổn thương trước dịch Covid-19. Ngày 18-8, nhóm Cố vấn Chiến lược Miễn dịch (SAGE) của WHO cho rằng ngoài những người đã được tiêm liều vaccine cơ bản, thường bao gồm 2 mũi, và những người đã được tiêm liều bổ sung lần một, có một số đối tượng nên được tiêm bổ sung lần hai. Chuyên gia cao cấp của SAGE, Joachim Hornbach nói: “Chúng tôi đưa ra khuyến nghị này dựa trên cơ sở quan sát sự suy giảm của hệ miễn dịch, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra”.

Theo Báo Tin tức (Tổng hợp)

.