Tính đến trưa 6-9, ít nhất 65 người thiệt mạng trong trận động đất mạnh nhất kể từ năm 2017 xảy ra ở tây nam Trung Quốc. Hơn 250 người khác bị thương và còn ít nhất 12 người đang mất tích. Lực lượng cứu hộ đang gấp rút giải cứu nhiều người còn mắc kẹt.
Nhân viên cứu hộ khiêng người bị thương vào ngày 6-9 sau khi cơn địa chấn mạnh 6,8 độ Richter xảy ra ở huyện Lô Định, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Con số thương vong không ngừng tăng sau trận động đất mạnh 6,8 độ Richter xảy ra ở miền núi thuộc huyện Lô Định, tỉnh Tứ Xuyên. Khu vực này nằm ở rìa cao nguyên Tây Tạng, nơi các mảng kiến tạo gặp nhau và thường xuyên xảy ra các cơn địa chấn. Trận động đất làm rung lắc nhiều tòa nhà cao tầng tại thành phố Thành Đô - thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, nơi có khoảng 21 triệu dân cư trú. Thành Đô cũng là một trong nhiều thành phố lớn của Trung Quốc đang phong tỏa để phòng chống Covid-19 tái phát.
Mưa đe dọa cản trở cứu hộ
Trung tâm quan trắc địa chấn Trung Quốc (CENC) thoạt đầu ước tính trận động đất mạnh 6,6 độ Richter, nhưng sau đó nâng lên 6,8 độ Richter. Tâm chấn nằm ở huyện Lô Định, một khu vực hẻo lánh với nhiều cư dân thuộc nhóm dân tộc Tây Tạng sinh sống. Dù chưa thể ước tính được quy mô thiệt hại của trận động đất vào thời điểm này, nhưng trước mắt thảm họa này gây mất điện, phá hỏng hệ thống liên lạc viễn thông và hạ tầng cấp nước trong khu vực. Theo hãng tin Reuters, 243 căn nhà bị sập, 13.010 căn khác bị phá hỏng, 4 khách sạn và hàng trăm khu nhà homestay cũng bị ảnh hưởng.
Tờ New York Times cho rằng, một động thái có thể là chỉ dấu cho thấy tổn thất của trận động đất là rất đáng kể khi đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ra lệnh cho chính phủ “phải dốc toàn lực để cứu giúp những người bị ảnh hưởng”. Thông tin này được phát trên đài truyền hình Trung ương (CCTV) tối 5-9, ngay sau khi nội các chính phủ Trung Quốc họp khẩn. Ông Tập yêu cầu chính quyền địa phương “đặt ưu tiên cao nhất cho nỗ lực bảo vệ tính mạng người dân”.
CCTV cho biết, tỉnh Tứ Xuyên đã phải sơ tán 50.000 người, trong khi chính quyền trung ương điều động 6.500 nhân viên cứu trợ tới giúp địa phương khắc phục hậu quả. Động đất còn gây lở đất làm tắc nghẽn một phụ lưu thuộc sông Đại Độ - con sông thuộc tỉnh Tứ Xuyên và là một chi lưu của sông Dương Tử. Cũng theo CCTV, ít nhất một thị trấn đã “bị phá hủy nặng nề” do các trận lở đất xảy ra liền sau động đất. Sau khi động đất xảy ra, tính tới 7 giờ sáng 6-9 (giờ địa phương), ít nhất 10 dư chấn khác với cường độ 3 độ Richter trở lên đã được ghi nhận. Hãng tin AFP dẫn thông báo từ cơ quan khí tượng địa phương cho biết, huyện Lô Định sẽ có mưa lớn trong 3 ngày, do đó có thể gây nhiều trở ngại cho công tác cứu hộ cứu nạn.
Tác động tiêu cực bởi thời tiết
Động đất xảy ra khá thường xuyên tại Trung Quốc, nhất là những khu vực có hoạt động địa chất tích cực như phía tây nam. Ngày 5-9, chưa đầy 1 giờ sau vụ động đất có tâm chấn tại Lô Định, một cơn địa chấn khác mạnh 4,6 độ Richter cũng đã xảy ra ở phía đông Tây Tạng. Các bản đồ vệ tinh cho thấy đặc điểm địa hình tại và gần tâm chấn Lô Định khá tương đồng với khu vực ở phía bắc tỉnh Tứ Xuyên, nơi từng xảy ra một trận động đất mạnh hơn nữa vào thời điểm gần 3 tháng trước khi diễn ra Olympic mùa hè 2008 tại Bắc Kinh. Trận đó mạnh 7,9 độ và cướp đi sinh mạng của ít nhất 69.000 người.
Trận động đất ngày 5-9 chỉ là biến cố mới nhất xảy đến trong một loạt rắc rối tỉnh Tứ Xuyên phải đối mặt trong tháng qua. Ngày 1-9, chính quyền tỉnh này phải phong tỏa Thành Đô - thành phố lớn nhất của tỉnh, để kiểm soát Covid-19. Chưa hết, từ cuối tháng 6 tới cuối tháng 8-2022, Tứ Xuyên cũng là một trong các tỉnh phải chịu đựng đợt nắng hạn kéo dài kỷ lục khi mùa mưa trong hè đã không tới.
Nắng hạn không chỉ làm héo hắt các cánh đồng hoa màu mà còn khiến các đập thủy điện lớn ở đây không thể sản xuất đủ lượng điện đáp ứng nhu cầu sử dụng. Tình trạng đó cũng khiến nhiều nhà máy tại Tứ Xuyên phải đóng cửa suốt gần 2 tuần hồi cuối tháng 8-2022. Chỉ mãi tới cuối tuần trước tỉnh này cũng đã có mưa, nhưng lượng mưa vẫn chưa đủ để kết thúc tình trạng khô hạn đã kéo dài quá lâu trước đó.
LÂM PHONG