Quốc tế
Kinh tế Trung Quốc đối mặt thêm thách thức
Châu Á đang chứng kiến các xu thế dịch bệnh đáng lo ngại và trái ngược tại các khu vực. Trong khi một số nước, gồm Nhật Bản và Hàn Quốc đang nới lỏng các biện pháp phòng, chống Covid-19 thì Trung Quốc vẫn theo đuổi chính sách “Zero Covid” nghiêm ngặt nhằm bảo vệ hệ thống y tế công trước làn sóng dịch bệnh khó lường. Tuy nhiên, một thực tế dễ nhận thấy là cường quốc này dường như đang bị tác động không nhỏ về kinh tế.
Người dân xếp hàng xét nghiệm ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào ngày 1-9. Ảnh: Reuters |
Cuối tuần qua, hàng loạt thành phố lớn ở Trung Quốc thắt chặt biện pháp phong tỏa để phòng dịch. Các lệnh phong tỏa phần nào tác động đến lòng tin của doanh nghiệp và làm suy yếu chi tiêu của người tiêu dùng. Giới chuyên gia cảnh báo, việc kiểm soát chặt hoạt động của hàng chục triệu người sẽ tạo ra thách thức lớn cho Trung Quốc trong việc giảm bớt tác động kinh tế của nỗ lực chống dịch.
Không từ bỏ “Zero Covid”
Theo CTV News, thành phố Thâm Quyến, thủ phủ công nghệ cao của Trung Quốc trải qua đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ mùa xuân năm nay; đồng thời áp đặt phong tỏa nhiều quận vào các ngày 3 và 4-9 trong bối cảnh xét nghiệm đại trà bắt đầu ở phần lớn khu vực của thành phố 18 triệu dân này.
Chính quyền thành phố cho biết, những khu vực thuộc 6 quận lớn đã bị liệt vào danh sách “các khu vực nguy cơ lây nhiễm cao” sẽ vẫn bị phong tỏa trong 7 ngày, và yêu cầu này có thể được gia hạn nếu phát hiện thêm các ca bệnh. Giới chức thành phố kêu gọi người dân nên ở nhà càng nhiều càng tốt và tránh những nơi tụ tập.
Đáng chú ý, theo hãng tin Nikkei Asia, việc áp đặt hạn chế đi lại ở các quận trung tâm của Thâm Quyến đã ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, trong đó có nhiều “ông lớn” của ngành điện tử tại đây. Cuối tuần qua, các dây chuyền lắp ráp của nhà máy Foxconn, một trong những công ty gia công thiết bị điện tử hàng đầu thế giới và là doanh nghiệp lớn trong chuỗi cung ứng của Apple, đã phải tạm dừng hoạt động trong bối cảnh thành phố này siết chặt biện pháp chống dịch.
Tương tự, từ ngày 1 đến 4-9, Thành Đô - một trong những trung tâm giao thông vận tải và giao thương quan trọng của Trung Quốc, cũng thực hiện lệnh giãn cách xã hội trong lúc giới chức thành phố nỗ lực dập tắt ổ dịch mới bùng phát. Tổng cộng khoảng 16 triệu dân phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong đợt này.
Tác động kinh tế không nhỏ
Hãng tin Reuters dẫn báo cáo của Capital Economics, một doanh nghiệp nghiên cứu kinh tế độc lập ở London, cho biết 41 thành phố, vốn đóng góp 32% cho tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc, đang phải vật lộn với làn sóng dịch bệnh. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 4-2022 khi các đợt phong tỏa trên diện rộng gây tổn hại nặng nề cho nền kinh tế của nước này. Tổng sản lượng kinh tế của Thâm Quyến và Quảng Châu trong năm 2021 đạt 855 tỷ USD, bằng khoảng một nửa GDP của Hàn Quốc.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc cân bằng hợp lý giữa nhu cầu kinh tế và công tác kiểm soát dịch bệnh, giới chức nước này trấn an dư luận rằng, các quy định hạn chế nghiệm ngặt chỉ kéo dài vài ngày. Song, tác động của việc này thực sự không nhỏ đối với cỗ máy kinh tế của các thành phố lớn.
Theo trang SCMP, trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh phức tạp, ngành đường sắt Trung Quốc đối mặt với sự sụt giảm mạnh về doanh thu khi số lượng hành khách đi tàu từ ngày 1-7 đến 3-8 rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014, theo dữ liệu từ Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc. Trong khi đó, trong tháng 8-2022, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), thước đo chủ chốt về hoạt động sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, ở mức 49,4, tăng so với mức 49 hồi tháng 7-2022, theo cơ quan thống kê quốc gia. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn 50, mốc được dùng để phân biệt giữa tăng trưởng và suy yếu.
Ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc thuộc Capital Economics cho biết: “Các chỉ số PMI chính thức cho thấy động lực kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm trong tháng 9 khi chính sách mở cửa kinh tế trở lại gặp khó cùng với suy thoái trong lĩnh vực bất động sản ngày càng tồi tệ hơn. Chúng tôi cho rằng, cỗ máy kinh tế của Trung Quốc sẽ phải vật lộn với nhiều thách thức để đạt được nhiều bước tiến bộ trong những tháng tới”.
Thậm chí, ông Raymond Yeung, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng ANZ còn hạ mức dự báo GDP của Trung Quốc năm 2022 xuống còn 3% từ 4% do nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Ngoài những thách thức hiện tại, những rủi ro dài hạn hơn ăn sâu trong nền kinh tế -như vấn đề dân số già hoá - sẽ khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc khó vượt mức 5% trong vài năm tới. Theo đó, nền kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục có sự thay đổi trong 3 năm tới và tiềm năng tăng trưởng sẽ tiếp tục suy giảm do thiếu sự cải thiện năng suất. ANZ dự báo mức tăng trưởng GDP của nước này sẽ là 4,2% trong năm 2023 và 4% trong năm 2024.
THƯ LÊ