Lạm phát ở Mỹ cao hơn dự đoán

.

Dư luận đang lo ngại về mức độ hiệu quả của những biện pháp mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã áp dụng những tháng gần đây với mục tiêu đưa kinh tế “hạ cánh mềm” trong bối cảnh mức lạm phát ở nước này trong tháng 8-2022 bất ngờ cao hơn dự đoán, bất chấp giá xăng có xu hướng giảm mạnh.

Lạm phát cơ bản tháng 8-2022 tại Mỹ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức 5,9% của tháng 7-2022. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại một cửa hàng trái cây ở Mỹ. Ảnh: Reuters
Lạm phát cơ bản tháng 8-2022 tại Mỹ tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức 5,9% của tháng 7-2022. TRONG ẢNH: Người dân mua sắm tại một cửa hàng trái cây ở Mỹ. Ảnh: Reuters

Ngày 13-9, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8-2022 của nước này tăng nhanh hơn dự kiến, qua đó củng cố đồn đoán FED tiếp tục tăng lãi suất vào tuần tới trong nỗ lực duy trì chính sách “diều hâu” nhằm thắt chặt tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát. Điều này vô hình chung khiến giới đầu tư lo ngại về nguy cơ suy thoái đang cận kề.

CPI bất ngờ tăng

Theo hãng CNBC, CPI của Mỹ tăng 0,1% trong tháng 8-2022, trái ngược với dự đoán giảm 0,1%. Đáng chú ý, lạm phát cơ bản (không tính các mặt hàng có giá cả dễ biến động như năng lượng và thực phẩm) tháng 8-2022 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với mức 5,9% của tháng 7-2022. Giá năng lượng giảm 5% trong tháng qua, kéo theo chỉ số xăng dầu giảm 10,6%. Theo số liệu của Hiệp hội ô-tô Mỹ, giá xăng đã rời khỏi mức cao trên 5 USD/gallon (3,78 lít) trong tháng 6-2022. Giá mặt hàng này được giao dịch ở mức 3,707 USD/gallon hôm 13-9.

Trong khi đó, giá cả tăng vọt ở những khu vực tiêu dùng khác. Cụ thể, chỉ số lương thực tăng 0,8% trong tháng 8-2022 và chi phí ăn, ở - vốn chiếm 1/3 tỷ trọng CPI, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Chi phí cho dịch vụ chăm sóc y tế tăng mạnh tới 0,8% so với tháng trước và tăng 5,6% so với tháng 8-2021.

Ngay sau khi chính phủ Mỹ công bố mức lạm phát “nóng” ngoài dự kiến, chứng khoán nước này đồng loạt lao dốc. Biến động này gần như chắc chắn sẽ chấm dứt chuỗi tăng điểm liên tiếp của thị trường. Ngày 13-9 (giờ địa phương), cổ phiếu của Mỹ bị bán tháo mạnh nhất kể từ giữa năm 2020. Ông Matt Peron, Giám đốc nghiên cứu của Janus Henderson Investors, nhận định: “Số liệu CPI rõ ràng là tin xấu đối với thị trường chứng khoán. Lạm phát nóng hơn có nghĩa chúng ta sẽ tiếp tục chịu áp lực từ chính sách thắt chặt tiền tệ của FED. Nó cũng đẩy lùi những hy vọng về khả năng FED xoay trục”. Các chuyên gia khác cũng cho rằng, còn chặng đường dài phía trước mà nước này phải trải qua cho đến khi lạm phát giảm trở lại.

FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất?

Theo hãng Bloomberg, lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao trong 40 năm và trên mức mục tiêu 2% của FED. Giới quan sát nhận định, việc FED tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 3 liên tiếp để hạ nhiệt lạm phát trong cuộc họp vào ngày 20 và 21-9 gần như chắc chắc xảy ra. Tuần trước, Thống đốc FED Christopher Waller khẳng định: “Tôi sẽ ủng hộ việc thực hiện các bước quan trọng hơn nữa để thắt chặt chính sách tiền tệ”; đồng thời tiết lộ “mức tăng lãi suất đáng kể khác” trong tháng này. Chủ tịch FED Jerome Powell và các cộng sự cho biết, mức tăng lãi suất sắp tới sẽ dựa trên “tính tổng thể của dữ liệu kinh tế”. Sự cải thiện về số liệu tâm lý người tiêu dùng và sự tăng đột biến về việc làm cũng cho thấy chi tiêu gia đình có khả năng phục hồi và nhu cầu lao động vẫn khả quan. 

Hiện, khoảng 79% khả năng FED tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong khi 21% còn lại kỳ vọng mức tăng có thể lên tới 100 điểm cơ bản. Bên cạnh đó, các nhà giao dịch cũng đặt cược khả năng FED “chốt” mức tăng 75 điểm cơ bản một lần nữa vào tháng 11-2022. Tính từ đầu năm đến nay, FED đã tăng lãi suất 4 lần với tổng mức tăng lên tới 2,25 điểm phần trăm. Ông Mark Cabana, người đứng đầu chiến lược tỷ giá của Mỹ tại Bank of America Corp lo ngại, khi các nhà hoạch định chính sách thực thi các hành động mạnh mẽ hơn để đối phó lạm phát thì họ sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn hơn khi đẩy nền kinh tế đến bờ vực suy thoái.

Bên cạnh đó, mức tăng lạm phát bất ngờ lần này rõ ràng là tín hiệu không vui đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11-2022. Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy lạm phát vẫn là “cơn đau đầu” dai dẳng đối với ông Biden và Đảng Dân chủ trong nỗ lực duy trì quyền kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện cho đến hết nhiệm kỳ. Trước đó, ông Biden đã nỗ lực kêu gọi quốc hội thông qua Đạo luật Giảm lạm phát trị giá hơn 430 tỷ USD - một thành tựu quan trọng góp phần định hình di sản nhiệm kỳ này của ông.

Giờ đây, nền kinh tế lớn nhất thế giới phải đương đầu với “những làn gió ngược” khiến nguy cơ về cuộc suy thoái càng trở nên hiện hữu. Nước này đang đối mặt với hàng loạt cuộc đình công lớn sắp tới. Bloomberg cho biết, hoạt động vận tải đường sắt của Mỹ có khả năng bị gián đoạn vào cuối tuần này trong bối cảnh 2 tổ chức công đoàn đường sắt lớn nhất nước này có thể phát động đình công để yêu cầu cải thiện điều kiện làm việc từ ngày 17-9. Bên cạnh đó, 1.300 nhân viên của tờ New York Times từ chối quay trở lại văn phòng làm việc và đe dọa đình công nếu công ty chủ quản tờ báo không đáp ứng các yêu cầu của công đoàn.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.