Nỗi lo lớn về khủng hoảng lương thực

.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), so với một năm trước, giá lương thực, thực phẩm tại nhiều nước đã tăng 10-30%. Cuộc khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng toàn cầu đang đe dọa làm bùng nổ một cuộc khủng hoảng lương thực lớn.

Các thách thức toàn cầu đã khiến cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng lớn.  TRONG ẢNH: Nông dân châu Á đang thu hoạch lúa. Ảnh minh họa:  World Bank
Các thách thức toàn cầu đã khiến cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng lớn. TRONG ẢNH: Nông dân châu Á đang thu hoạch lúa. Ảnh minh họa: World Bank

Thực tế, giá lương thực tăng cao đã tác động tới mọi lĩnh vực đời sống. Theo WB, dù mức lạm phát giá lương thực hiện không còn cao như khi xung đột mới xảy ra tại Ukraine song ở một số mặt hàng thiết yếu như bột mì và dầu ăn, mức giá tăng đã đẩy hàng trăm triệu người tại các nước thu nhập thấp vào cảnh dù đã chi tới một nửa thu nhập cho thực phẩm thì nguy cơ đói ăn vẫn hiển hiện.

Giá lương thực vẫn ở mức cao

Xung đột tại Ukraine, gián đoạn chuỗi cung ứng và suy thoái kinh tế liên tục do Covid-19 gây ra đã làm đảo lộn tiến trình phát triển của nhân loại sau nhiều năm nỗ lực, đẩy giá lương thực tăng lên các mốc kỷ lục mới. Cụ thể, theo WB, mức lạm phát giá thực phẩm nội địa vẫn cao trên toàn thế giới. Từ tháng 4 đến 7-2022, mức này là 92,9% tại các nước thu nhập thấp, 92,7% tại các nước thu nhập thấp và trung bình và 83,3% ở các nước thu nhập cao. Theo số liệu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), giá ngũ cốc quốc tế trong tháng 8-2022 vẫn cao hơn 11,4% so với một năm trước. So với giá trung bình tháng 1-2021, các chỉ số giá của ngô và bột mì trong tháng 8-2022 đều cao hơn 20% trong khi chỉ số giá gạo thấp hơn 16%.

Giá lương thực toàn cầu tới nay đã giảm trong 5 tháng liên tiếp và hiện đã quay lại mức gần như trước xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, bất chấp giai đoạn dịu bớt này, tình hình lương thực toàn cầu vẫn còn rất nan giải. Chỉ số giá lương thực của FAO trong tháng 8 (vốn là công cụ để đo lường những thay đổi về giá theo tháng) cũng cho thấy, xét về tổng thể, giá lương thực thế giới hiện đang cao hơn nhiều so với những năm gần đây. Trong khi đó, Ấn Độ đã chính thức cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với một số mặt hàng gạo trắng không phải gạo basmati. Các chuyên gia ước tính, sản lượng gạo xuất khẩu của nước này có thể sụt giảm 4 - 5 triệu tấn trong năm tài chính 2022 - 2023.

Lạm phát và thiếu ăn

Thực tế cho thấy, hầu hết những nước có mức lạm phát giá lương thực cao nhất thế giới như: Venezuela, Zimbabwe và Lebanon… đều là những nước có mức lạm phát rất cao, hoặc siêu lạm phát, trong nhiều năm. Theo tạp chí Vox (Mỹ), siêu lạm phát nhìn chung là khái niệm được dùng để mô tả tình trạng lạm phát rất cao, thường vào khoảng từ 50% theo tháng trở lên. Theo nhà kinh tế học Diego Santana Fombona tại hãng tư vấn Ecoanalítica ở Caracas, Venezuela rơi vào tình trạng này từ năm 2017 cho tới đầu năm nay. Chuyên gia này cho biết, nguyên nhân của tình trạng siêu lạm phát này là do chính phủ Venezuela đã tăng thêm tiền mặt sau khi bị giảm thu ngân sách từ dầu và thuế.

Năm nay, hầu như toàn cầu bắt đầu trải nghiệm những điều sẽ xảy ra khi giá thực phẩm biến động theo hình xoắn ốc. Đơn cử như ở Mỹ, một lốc 12 quả trứng có giá 1,53 USD vào năm 2019 thì năm 2021 là 1,67 USD. Như vậy, trừ khi lương tháng của một người cũng tăng theo tỷ lệ tương ứng trong vài năm qua, nếu không việc chi cho lương thực, nhất là các thực phẩm từ động vật, sẽ ngốn một khoản lớn hơn trong thu nhập của họ. Để so sánh, các tác giả của báo cáo cập nhật về an ninh lương thực trong tháng 8-2022 của WB cho rằng, nếu người Mỹ phải chi trung bình khoảng 10% thu nhập cho thực phẩm thì ở những nước nghèo hơn, tỷ lệ này có thể lên tới 50%.

Thỏa thuận ngũ cốc cần được tuân thủ nghiêm

Ngày 12-9, bà Nada Al Nashif, Phó cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) cho rằng, số lương thực được xuất đi từ các cảng biển của Ukraine theo thỏa thuận ký kết trong tháng 7 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) cần phải được đưa đến những nơi cần nó. Theo hãng tin TASS, phát biểu trong kỳ họp thứ 51 của Hội đồng nhân quyền LHQ tại Geneva, bà Nada kêu gọi cộng đồng quốc tế giám sát thỏa thuận này.

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng thỏa thuận ngũ cốc đạt được tại Istanbul hóa ra chỉ là “sự lừa dối khác”. Ông Putin lưu ý, gần như toàn bộ số lương thực xuất đi từ Ukraine đã được chuyển tới các nước EU, trong khi Nga và các nước nghèo nhất đã bị bỏ qua. Người phát ngôn của Trung tâm Điều phối chung Ismini Palla thông báo, khoảng 44% lượng ngũ cốc Ukraine xuất khẩu qua Biển Đen theo thỏa thuận đã được đưa tới các nước phát triển và chỉ 28% đến các nước đang phát triển. Ông Putin nhận định, giá lương thực toàn cầu sẽ tiếp tục tăng do các lệnh cấm, hạn chế của phương Tây với Nga; đồng thời cảnh báo, cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay có thể gia tăng và trở thành “thảm họa nhân đạo”.

LÂM PHONG

;
;
.
.
.
.
.