Cách đây 20 năm, với đề xuất của Saudi Arabia, hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) tại Beirut (Lebanon) đưa ra “Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002” để giải quyết xung đột Israel-Palestine. Theo đó, các quốc gia Arab sẽ công nhận Israel nếu nước này rút khỏi vùng đất chiếm đóng trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967, chấp nhận việc thành lập nhà nước Palestine độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem và quyền hồi hương của người tị nạn Palestine.
Từ đó đến nay, tuy có nhiều giải pháp trong từng giai đoạn khác nhau, nhưng “Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002” vẫn là cơ sở cốt lõi cho những lời kêu gọi của người Palestine, Arab và Hồi giáo về hòa bình và giải quyết xung đột Israel-Palestine. Nhiều nước tiếp tục lên tiếng ủng hộ và đề nghị các bên liên quan có những bước đi cụ thể thực hiện sáng kiến này.
Mỹ, đồng minh thân cận của Israel, cũng có bước chuyển động tích cực để giải quyết xung đột Israel-Palestine. Ngày 13-7, sau khi tới Israel bắt đầu chuyến thăm chính thức Trung Đông, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, các bên sẽ thảo luận về sự ủng hộ của ông đối với giải pháp “hai nhà nước” cho cuộc xung đột này. Ông Biden khẳng định: “Chúng tôi sẽ tạo ra sự ổn định tốt hơn, kết nối tốt hơn, điều này rất quan trọng với người dân khu vực và đó là lý do tại sao chúng tôi cần phải thảo luận, cam kết sâu sắc và liên tục đối với giải pháp hai nhà nước. Đây là cách tốt nhất để bảo đảm công bằng, tự do, thịnh vượng và dân chủ cho người dân Israel và Palestine”.
Tiếp đó, ngày 16-7, hội nghị thượng đỉnh lãnh đạo các quốc gia Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) cùng với sự tham gia của Mỹ, Ai Cập, Iraq và Jordan ở Jedda (Saudi Arabia) cũng tiếp tục ủng hộ “Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002”. Tại hội nghị, Quốc vương Saudi Arabia Abdullah bin Abdulaziz al-Saud cảnh báo, sẽ không thể đạt được ổn định trong khu vực mà không có giải pháp cho xung đột Israel-Palestine. Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi cũng kêu gọi giải pháp hai nhà nước trên cơ sở đường biên giới trước năm 1967 và Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine. Cùng chung quan điểm này, Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani thúc giục các thành viên GCC không từ bỏ sáng kiến nói trên.
Đáng chú ý, ngày 21-9, các nước thành viên của Ủy ban “Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002” nhóm họp tại New York (Mỹ) bên lề khóa họp 77 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ). Hội nghị bàn tròn này được triệu tập theo lời mời của Ngoại trưởng Saudi Arabia - Hoàng tử Faisal bin Farhan bin Abdullah và Tổng Thư ký AL Ahmed Aboul Gheit để kỷ niệm 20 năm Riyadh đưa ra sáng kiến nhằm giải quyết xung đột Israel - Palestine. Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự nhấn mạnh tầm quan trọng của “Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002”; đồng thời cảnh báo, triển vọng của giải pháp chính trị về cuộc xung đột Israel-Palestine hiện vẫn còn mờ mịt. Các đại biểu cũng báo động về tình hình nhân đạo đang xấu đi ở các vùng lãnh thổ của người Palestine, các mối đe dọa ngày càng tăng và việc mở rộng ngày càng nhiều các khu định cư bất hợp pháp của Israel.
Đặc biệt, hội nghị bày tỏ lo ngại về nguy cơ bùng phát làn sóng bạo lực mới đe dọa người dân Palestine và gây nguy hiểm cho cả khu vực. Trong bối cảnh tiến trình chính trị đình trệ, các nước thành viên của Ủy ban Sáng kiến hòa bình Arab hối thúc các bên liên quan triển khai những bước cụ thể để hỗ trợ nối lại đối thoại dựa trên “Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002” và các nghị quyết liên quan của LHQ.
Có thể nói, xung đột Israel-Palestine diễn ra trong thời gian dài nhất kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc. Nó cũng là nhân tố làm cho “chảo lửa” Trung Đông không ngừng dậy sóng, lôi cuốn nhiều quốc gia vào vòng xoáy xung đột vũ trang. Vì thế, “Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002” vẫn còn nguyên giá trị trong việc kiến tạo nền hòa bình bền vững cho Trung Đông nói chung, cho người dân Israel và Palestine nói riêng.
TUYẾT MINH