Quốc tế

SCO - trung tâm quyền lực mới?

08:42, 17/09/2022 (GMT+7)

Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất lãnh đạo thế giới đơn cực. Song, từ đó đến nay, các châu lục liên tiếp chứng kiến những biến động khó lường, từ hình thành các tổ chức khủng bố đến các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo và hiện nay là vấn đề Ukraine. Hiện một trung tâm quyền lực mới bắt đầu xuất hiện, cảnh báo sự kết thúc của thế giới đơn cực.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đang nỗ lực mở rộng quy mô, kết nạp thêm thành viên mới. Theo hãng thông tấn TASS (Nga), ngày 15-9, Iran ký bản ghi nhớ về việc gia nhập SCO. Tổ chức này đang được dư luận chú ý với vai trò là trung tâm quyền lực mới vì mấy lẽ sau:

Một là, Trung Quốc - siêu cường trên nhiều lĩnh vực và là nền kinh tế thứ hai thế giới -đang thực hiện chiến lược “Sáng kiến Vành đai và Con đường” đầy tham vọng.

Hai là, Nga - cường quốc hạt nhân lớn, nhà cung cấp dầu khí hàng đầu - đang đối mặt với các lệnh trừng phạt hà khắc từ phương Tây, nhất là từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine nên muốn “xoay trục” sang châu Á để phá thế “kiềm tỏa”, tạo dựng trung tâm quyền lực mới đối trọng với Mỹ.

Ba là, Ấn Độ - quốc gia đang vươn lên để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới - muốn liên kết với các nước trong SCO để hưởng lợi về mặt kinh tế và giữ ổn định an ninh, thúc đẩy phát triển đất nước.

Bốn là, Pakistan - nước sở hữu vũ khí hạt nhân - đang ở vị trí chiến lược ở Trung Á, khu vực mà phương Tây muốn “kiểm soát” để giải quyết vấn đề an ninh, nhất là đẩy lùi các tổ chức khủng bố. Trong khi đó, Iran là cường quốc dầu mỏ đang làm mọi cách để sở hữu vũ khí hạt nhân và vẫn là “cái gai” trong mắt của Mỹ cùng đồng minh.

Có thể nói, SCO có vị trí địa chính trị quan trọng và tiềm lực kinh tế rất lớn. SCO hiện chiếm hơn 25% dân số thế giới; tổng diện tích các nước thành viên chiếm khoảng 60% lãnh thổ của hai châu lục Á, Âu.

Tại hội nghị của SCO hồi tháng 8-1999, lãnh đạo hai nước thành viên chủ chốt là Nga và Trung Quốc mong muốn xây dựng thế giới đa cực, thay vì thế giới đơn cực như lúc bấy giờ. Với mong muốn đó, năm 2003, SCO hoạch định thêm hướng ưu tiên trong tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên nhằm ngăn chặn các công ty dầu lửa của phương Tây xâm nhập Trung Á.

Cuối tháng 6-2022, tại hội nghị ở Bắc Kinh (Trung Quốc) nhân kỷ niệm 20 năm ngày ký Hiến chương của SCO, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nêu rõ: “Trong bối cảnh liên tiếp xảy ra những thay đổi mang tính kiến tạo của nền kinh tế và chính trị thế giới, tổ chức của chúng ta có thể và cần trở thành một trong những thành tố cốt lõi của trật tự thế giới mới đa trung tâm, công bằng và dân chủ hơn, dựa trên Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, an ninh công bằng và không chia cắt”. Trong khi đó, ngày 12-9, phát biểu tại cuộc gặp Đại sứ Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov sắp mãn nhiệm, ông Dương Khiết Trì - Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc cho rằng: “Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với Nga để tăng cường hợp tác chiến lược song phương cấp cao, bảo vệ lợi ích chung và thúc đẩy sự phát triển của trật tự quốc tế theo hướng công bằng và hợp lý hơn”.

Hội nghị thượng đỉnh SCO diễn ra từ ngày 15 đến 16-9 tại thành phố Samarkand (Uzbekistan) được kỳ vọng sẽ mở ra chương mới trong lịch sử phát triển của tổ chức này. Khoảng 30 văn bản được ký kết tại hội nghị nhằm tăng cường mối liên hệ giữa các nước thành viên của một tổ chức vốn không phải là một khối nhưng muốn tăng cường hợp lực. Với sự góp mặt của các cường quốc như Nga và Trung Quốc, hội nghị cho thấy nỗ lực của SCO trong việc ứng phó với tầm ảnh hưởng của phương Tây. Đặc biệt, cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cho thấy ý nghĩa của sự kiện này sẽ tác động đến Mỹ và các đồng minh phương Tây.

TUYẾT MINH

.