Thế giới ở giai đoạn nước rút để chấm dứt Covid-19

.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tái khẳng định, thế giới đang ở giai đoạn nước rút để chấm dứt Covid-19; đồng thời cảnh báo thái độ tự mãn ở một số nơi trước những tín hiệu tích cực trong công tác chống dịch vừa qua.

Theo WHO, Covid-19 vẫn chưa kết thúc. TRONG ẢNH. Một em bé được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Lahore, Pakistan ngày 20-9. Ảnh: Sajjad/Xinhua
Theo WHO, Covid-19 vẫn chưa kết thúc. TRONG ẢNH. Một em bé được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 ở Lahore, Pakistan ngày 20-9. Ảnh: Sajjad/Xinhua

Tuyên bố về thực tế Covid-19 vẫn chưa kết thúc được ông Tedros đưa ra bên lề khóa họp lần thứ 77 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) tại New York ngày 22-9. Ông Tedros thúc giục các nước tận dụng giai đoạn thuận lợi hiện nay để chấm dứt Covid-19 nhanh nhất có thể, thông qua phối hợp hành động và thực thi hiệu quả các cam kết chính trị.

Covid-19 vẫn lưu hành ở mức độ mạnh

Tuần trước, ông Tedros cho biết, thế giới “chưa bao giờ ở vị trí tốt hơn như bây giờ để chấm dứt Covid-19. Sự kết thúc đã ở trong tầm mắt”. Theo WHO, số ca tử vong hằng tuần tiếp tục giảm và hiện chỉ bằng 10% số ca không qua khỏi được ghi nhận vào tháng 1-2021 (giai đoạn đỉnh dịch). Tuần qua ghi nhận hơn 9.800 ca tử vong, giảm 17% so với tuần trước. Hơn 60% dân số thế giới được tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, ông Tedros lại tỏ ra thận trọng khi cho rằng tuyên bố kết thúc Covid-19 “còn lâu mới được đưa ra”; đồng thời cảnh cáo mọi bất trắc vẫn có thể xảy ra nếu còn tư tưởng chủ quan với Covid-19.

Theo WHO, 10.000 người chết do Covid-19 mỗi tuần, trong đó đa số ca có thể ngăn chặn được, và độ chênh lệch trong tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước còn rất lớn. Tuần qua, thế giới ghi nhận 3,2 triệu ca mắc mới. Song, những con số này nhiều khả năng không chính xác do nhiều nước giảm mạnh xét nghiệm và không phát hiện những ca mắc có triệu chứng nhẹ.

Bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19 cho rằng, virus vẫn đang “lưu hành ở mức độ mạnh” dù diễn biến dịch bệnh khác nhau ở các nước. Tuy nhiên, bà Maria trấn an rằng thế giới vẫn nắm trong tay hàng loạt công cụ cần thiết để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. “Mục tiêu của chúng tôi là chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở tất cả các quốc gia. Và chúng tôi sẽ duy trì các biện pháp chống dịch cho đến khi đạt được mục tiêu đó”, bà Maria nói.

Nỗi lo về hội chứng Covid-19 kéo dài

Covid-19 vẫn là rủi ro đáng lo ngại, đặc biệt đối với những nhóm có nguy cơ cao tại các nước có thu nhập thấp. Theo WHO, tỷ lệ tiêm vắc-xin tại các nước có thu nhập thấp chỉ đạt 19%, so với gần 75% tại các nước có thu nhập cao. Bên cạnh đó, mối quan ngại khác vẫn khiến công chúng chưa cảm thấy yên tâm về tình hình dịch bệnh chính là hội chứng Covid-19 kéo dài. Đây cũng chính là lý do khiến những người mắc hội chứng này ở Mỹ phản đối phát biểu gần đây của Tổng thống Joe Biden rằng “Covid-19 đã chấm dứt” ở quốc gia vốn từng là tâm dịch của thế giới. Theo The Hill, ngày 19-9, Mạng lưới tổ chức phi lợi nhuận MEAction tổ chức biểu tình bên ngoài Nhà Trắng. Theo đó, một số người mắc bệnh viêm cơ não tủy hoặc hội chứng mệt mỏi mạn tính (ME/CFS) nằm trên vỉa hè cầm biểu ngữ phản đối.

Giám đốc vận động MEAction Ben HsuBorger cho biết: “Chúng tôi ở đây để nói với Tổng thống Biden rằng Covid-19 vẫn chưa kết thúc, hàng triệu người trong chúng ta vẫn khổ sở sau khi nhiễm virus. Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Biden tuyên bố ME/CFS và hội chứng Covid-19 kéo dài là tình trạng khẩn cấp quốc gia”. Ngoài Mỹ, một số quốc gia như Thụy Điển, Slovenia… cũng đã tuyên bố kết thúc Covid-19.

Trong khi đó, Japan Times dẫn nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine ngày 22-9 cho thấy, nguy cơ mắc các vấn đề về não và thần kinh cao hơn 42% trong vòng một năm kể từ khi mắc Covid-19. Các bệnh lý về não và thần kinh như bệnh Alzheimer và đột quỵ phổ biến hơn đáng kể ở những người sống sót sau khi nhiễm Covid-19 so với những người chưa từng mắc bệnh, qua đó làm dấy lên lo ngại lớn về hệ lụy lâu dài của Covid-19. Theo nghiên cứu, có thêm 7/100 người mắc Covid-19 đối mặt với tình trạng suy giảm nhận thức, rối loạn trí nhớ, bệnh giống Parkinson và hàng chục bệnh liên quan khác.

Từ khi Covid-19 bùng phát, WHO đã thống kê hơn 609 triệu trường hợp mắc bệnh và khoảng 6,5 triệu trường hợp tử vong, dù con số thực tế được cho là cao hơn đáng kể. Dựa trên tỷ lệ tử vong vượt mức được ghi nhận ở các nước khác nhau, nghiên cứu của WHO được công bố vào tháng 5-2022 ước tính, 17 triệu người có thể đã chết vì Covid-19 vào năm 2020 và 2021.

Nhiều nước châu Á tiếp tục nới lỏng biện pháp phòng dịch
Một số nước châu Á tiếp tục hạ mức độ Covid-19 và nới lỏng thêm các hạn chế. Thái Lan vừa chính thức hạ cấp đại dịch này xuống thành bệnh lưu hành cần giám sát từ ngày 1-10. Nhật Bản dự kiến dỡ bỏ hoàn toàn kiểm soát biên giới từ ngày 11-10, qua đó dỡ bỏ hạn chế số lượng người nhập cảnh, thay vì chỉ giới hạn ở mức 50.000 người/ngày hiện nay. Hàn Quốc cũng quyết định dỡ bỏ các quy định bắt buộc đeo khẩu trang ngoài trời từ tuần tới.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.