Quốc tế
Tổng thống Putin: Không ai có thể cô lập nước Nga
Trong bối cảnh Moscow đối mặt với những thách thức bủa vây từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có những thông điệp rất đáng chú ý phát đi tại Diễn đàn kinh tế phương Đông ở thành phố Vladivostok.
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông tại thành phố Vladivostok thuộc miền đông nước Nga vào ngày 7-9. Ảnh: TASS |
Tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) ngày 7-9, ông Putin khẳng định, cô lập Nga trong thế giới hiện đại là nhiệm vụ bất khả thi và Moscow sẽ đẩy lùi mọi toan tính muốn gạt nước này khỏi trường quốc tế.
Bất bình với thỏa thuận ngũ cốc
Khác với năm ngoái, khi bài phát biểu tại EEF tập trung vào các vấn đề quốc tế, năm nay, Tổng thống Putin chủ yếu nói về chuyện nước Nga đang hành xử ra sao trước các động thái đối đầu bất lợi của phương Tây đối với họ. “Tôi muốn nhấn mạnh lại một lần nữa rằng chúng tôi không khởi đầu bất cứ điều gì trong chuyện chiến dịch quân sự. Chúng tôi chỉ đang cố gắng chấm dứt những sự thù địch”, ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga cũng chỉ trích thỏa thuận ngũ cốc với Ukraine trong tháng 7-2022 đạt được với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc. Theo ông Putin, thỏa thuận ngũ cốc hóa ra lại chỉ là “sự lừa dối khác” khi mà gần như mọi nông sản xuất đi từ Ukraine đã tới được các nước châu Âu, trong khi Nga và các nền kinh tế nghèo khác đã bị bỏ qua.
“Chắc chắn tôi sẽ phải thảo luận với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan, về vấn đề này. Suy cho cùng, chúng tôi chính là những người đã soạn ra cơ chế xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine”, ông Putin nói. Tổng thống Nga cũng khẳng định, các nhà báo phương Tây có thể tới thăm nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye “ngay ngày mai nếu họ muốn”.
Nga mở rộng thị trường
Cũng trong bài phát biểu tại diễn đàn, theo hãng tin TASS, ông Putin cho biết, trong bối cảnh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, Moscow đã nhìn thấy thêm nhiều cơ hội để gia nhập thị trường Trung Đông và Iran. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, việc mua khí đốt của Nga trong nhiều thập kỷ qua đã giúp các nền kinh tế châu Âu có được những lợi thế cạnh tranh rõ ràng toàn cầu. “Đây là sự hợp tác rất có lợi cho các đối tác của chúng tôi, trong đó có các nước châu Âu”. Nhà lãnh đạo Nga cũng chỉ trích việc EU đang bàn thảo áp mức giá trần với khí đốt của Nga là “quyết định phi thị trường mà không có tương lai” và có thể đẩy giá năng lượng tăng cao.
Bên cạnh đó, ông Putin cũng cho rằng, thị trường khí đốt châu Âu hiện không còn là thị trường cao cấp nữa. “Tình hình toàn cầu đang thay đổi rất nhanh. Và không lâu trước đây, khi khủng hoảng ở Ukraine bắt đầu, đó không còn là thị trường cao cấp nữa”, ông Putin nói; đồng thời cho biết, vì thực tế này mà các nguồn cung năng lượng của Nga đã chuyển hướng sang châu Á. “Ngay cả các đối tác của Mỹ và châu Âu cũng đã chuyển khí tự nhiên hóa lỏng sang các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc, để bán được với giá cao hơn”, Tổng thống Nga lưu ý.
Về vấn đề xuất khẩu năng lượng của Nga, ông Putin khẳng định Moscow không gặp bất cứ khó khăn nào trong vấn đề này, nhất là nếu nhìn vào mối quan hệ song phương tốt đẹp với Trung Quốc. “Về các nguồn năng lượng của chúng tôi, nhu cầu trên các thị trường thế giới đang rất cao tới mức chúng tôi không gặp rắc rối gì trong hoạt động xuất khẩu. Kinh tế Trung Quốc lớn hơn kinh tế Mỹ nếu xét về lượng mua năng lượng. Nhu cầu đang tăng, các hợp đồng của chúng tôi đang ổn, các mối quan hệ đang tốt đẹp ở mức phi tiền lệ”, Tổng thống Nga cho biết.
Đáng chú ý, theo hãng tin Reuters, Tổng thống Putin nhận định, châu Á mới là tương lai của kinh tế toàn cầu. Các mối quan hệ quốc tế đã chứng kiến những thay đổi mang tính kiến tạo và không thể đảo ngược. Vai trò của các quốc gia, khu vực năng động và đầy triển vọng, nhất là khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã tăng lên đáng kể. Cũng tại EEF, trong cuộc gặp Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc Lật Chiến Thư, ông Putin khẳng định có kế hoạch gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand Uzbekistan trong 2 ngày 15 và 16-9.
Diễn đàn Kinh tế phương Đông do viện nghiên cứu Roscongress Foundation tổ chức và năm nay là năm thứ 7. Diễn đàn năm nay kéo dài từ ngày 5-9 đến ngày 8-9 tại Vladivostok (Nga) với chủ đề “Lộ trình đi tới một thế giới đa cực”. |
LÂM PHONG