Quốc tế

Chuyện gì xảy ra khi OPEC+ giảm mạnh sản lượng?

08:59, 07/10/2022 (GMT+7)

Việc OPEC+ giảm mạnh sản lượng chắc chắn sẽ đẩy giá dầu thế giới tăng cao và làm trầm trọng hơn nguy cơ suy thoái kinh tế. Ở phương diện chính trị, giới quan sát nhận định, động thái này đã đặt Saudi Arabia - quốc gia lĩnh xướng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC - vào thế gần Nga và xa Mỹ hơn.

Việc OPEC+ giảm mạnh sản lượng sẽ tạo tác động trên diện rộng. TRONG ẢNH: Trụ sở của OPEC tại Vienna (Áo). Ảnh: AFP
Việc OPEC+ giảm mạnh sản lượng sẽ tạo tác động trên diện rộng. TRONG ẢNH: Trụ sở của OPEC tại Vienna (Áo). Ảnh: AFP

Không ngạc nhiên sau khi OPEC+ (nhóm OPEC cùng các đồng minh) quyết định giảm mạnh sản lượng dầu vào ngày 5-10, phản ứng tiêu cực đã xuất hiện trên mọi thị trường. Động thái của OPEC+ đe dọa tiếp tục đẩy cao sức ép lạm phát tại nhiều nước vốn đang chật vật vượt qua khủng hoảng năng lượng.

Tác động trên diện rộng

Mức giảm 2 triệu thùng dầu /ngày, tương đương với 2% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu loại năng lượng này, có hiệu lực trong tháng 11-2022. Dù vậy, theo Financial Times, đây là mức giảm thống nhất của OPEC+, còn trên thực tế mức giảm sẽ ít hơn, khoảng 1-1,1 triệu thùng/ngày, vì nhiều thành viên nhỏ hơn trong OPEC+, như Nigeria, hiện đã sản xuất ít hơn so với mục tiêu của họ.

Giới quan sát nhận định, sẽ có hai tác động chính và rõ ràng nhất tại thời điểm này: tương lai của giá dầu thế giới và tương lai của quan hệ Mỹ - Saudi Arabia. Rõ ràng, quyết định của OPEC+ là động thái quyết liệt nhằm nâng cao giá dầu. Với mức 90 USD/thùng, giá dầu thô thế giới đang ở mức thấp hơn nhiều so với mức giá đạt được ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Sau thông báo của OPEC+, giá dầu thô Brent tăng lên 93,96 USD/thùng, cao hơn mức 84 USD trong tuần trước. Ông Jorge León thuộc hãng tư vấn Rystad dự đoán, giá dầu sẽ vượt mốc 100 USD trước Giáng sinh năm nay.

Với nhiều nước, việc giá dầu tăng còn mệt mỏi hơn khi đồng USD mạnh lên vì họ phải mua dầu bằng USD. Giá xăng tại Anh đang vọt lên cao hơn cả mức kỷ lục của năm 2008 - thời điểm giá dầu lập kỷ lục gần 150 USD/thùng, kéo theo lạm phát và chi phí sinh hoạt cũng tăng theo. Giá dầu tại châu Âu sẽ còn tăng khi lệnh trừng phạt của EU với dầu Nga có hiệu lực trong tháng 12-2022. Moscow cũng cảnh báo sẽ giảm lượng xuất khẩu dầu tới những nước ủng hộ kế hoạch áp trần giá dầu của Mỹ với Nga.

Theo các chuyên gia, bên cạnh tác động nghiêm trọng đến nguồn cung, động thái nói trên của OPEC+ được dự báo sẽ gia tăng rủi ro về vĩ mô đối với thị trường tài chính nói riêng và thị trường hàng hóa nói chung. Về dài hạn, việc giá dầu tăng trong khi kinh tế tăng trưởng kém đi sẽ tác động tiêu cực đến các nhà sản xuất dầu khi nhu cầu tiêu thụ suy yếu.

Trong khi đó, ông Suhail Al Mazrouei, Bộ trưởng Năng lượng của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) nói rằng, sở dĩ OPEC+ phải giảm sản lượng là để tránh tình trạng giá dầu lao dốc như đã từng xảy ra trong quý 2-2008, thời điểm giá dầu chỉ còn 30 USD/thùng trong khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ông Mazrouei cho rằng, họ phải ra “đòn phủ đầu” với tình huống sụp đổ của thị trường dầu vì nếu không hành động, các khoản đầu tư dài hạn trong ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ chịu thiệt hại. Ông Mazrouei khẳng định, UAE không “chọn bên” trong vấn đề Ukraine, ngụ ý Nga không tác động tới quyết định giảm sản lượng của họ.

Mặc dù việc cắt giảm sản lượng sẽ gây áp lực đẩy lên với giá dầu, song theo chuyên gia Christyan Malek tại ngân hàng JPMorgan, sự can thiệp của OPEC+ nhằm giữ giá dầu ở mức cao cũng sẽ khuyến khích tất cả các nhà sản xuất khác bắt tay vào đầu tư cho lĩnh vực này.

Mỹ  phản ứng

Không ngạc nhiên khi Washington là bên thất vọng nhiều hơn cả sau động thái nói trên của OPEC+. Những ngày qua, các nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ đã nỗ lực vận động hành lang để ngăn chặn tổ chức này giảm sản lượng. Tháng 7-2022, đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Saudi Arabia để hàn gắn quan hệ với Riyadh nhằm đạt được thỏa thuận về sản lượng dầu, ngăn chặn tác động tiêu cực của năng lượng với cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ tháng 11-2022. Theo Reuters, ông Biden đang đối mặt với tỷ lệ ủng hộ xuống thấp trước cuộc bầu cử này cũng vì lạm phát ở Mỹ vẫn cao.

Nhà Trắng cáo buộc OPEC+ “đứng về phía” Nga và phá hoại nền kinh tế toàn cầu. Các quan chức Mỹ đã đề cập những phương án ứng phó trước động thái của OPEC+, trong đó có việc xả kho dự trữ xăng dầu chiến lược quốc gia.

Chính quyền của Tổng thống Biden cam kết sẽ bàn thảo với Quốc hội về các giải pháp để giảm bớt sự kiểm soát của OPEC với giá năng lượng. Thông báo của Nhà Trắng đề xuất việc khởi động lại điều luật thường được gọi là “Nopec”, cho phép Bộ Tư pháp Mỹ có thể khởi kiện những nước mà theo họ là có hành vi phản cạnh tranh trên thị trường năng lượng. Bà Helima Croft thuộc công ty RBC Capital Markets nhận định, bên cạnh những tuyên bố mạnh mẽ, bà tin “có nguy cơ rất rõ” là Mỹ có thể đi đến quyết định hạn chế xuất khẩu các sản phẩm tinh chế như xăng để ngăn chặn lạm phát giá nhiên liệu trong nước.

Theo Reuters, cuộc họp tiếp theo của OPEC+ sẽ diễn ra ngày 4-12. Sau đó OPEC+ sẽ thay đổi tần suất họp của họ là 6 tháng một lần thay vì hằng tháng.

LÂM PHONG

.