Kinh tế Nga hướng tới tăng trưởng trở lại

.

Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, kinh tế nước này đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại như thời điểm trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tín hiệu tích cực trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với các lệnh trừng phạt cho thấy tính ổn định của cỗ máy kinh tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin dự cuộc họp trực tuyến về các vấn đề kinh tế ngày 6-10. Ảnh: Điện Kremlin
Tổng thống Nga Vladimir Putin dự cuộc họp trực tuyến về các vấn đề kinh tế ngày 6-10. Ảnh: Điện Kremlin

Theo thông báo của Điện Kremlin, tại cuộc họp trực tuyến bàn về kinh tế và xu hướng phát triển ngày 6-10, Tổng thống Putin cho biết, sản lượng công nghiệp trở lại mức năm ngoái sau 4 tháng giảm. Các ngành phải đối mặt nhiều thách thức nhất, như sản xuất ô-tô và kim loại, đang dần phục hồi. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp ghi nhận động lực tăng trưởng tốt với mức tăng 4,6% trong 8 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, ngành xây dựng cũng tăng về quy mô khi khối lượng công việc tăng 7,4% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái. Những động lực gia tăng của ngành xây dựng sẽ góp phần thúc đẩy các ngành liên quan khác.

Ông Putin cũng lưu ý, các lĩnh vực xuất khẩu của kinh tế Nga vẫn chịu áp lực trong bối cảnh các nước châu Âu từ bỏ nguồn cung một số hàng hóa từ Moscow, trong đó có dầu mỏ, khí đốt và kim loại. Chính phủ đã thực hiện linh hoạt giải pháp kịp thời để chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác. Song, quá trình này cần có thời gian để xây dựng các chuỗi hợp tác và logistics mới.

Tín hiệu khả quan khác là tỷ lệ lạm phát ở Nga tiếp tục giảm xuống. Tuần trước, tỷ lệ lạm phát ở nước này giảm xuống 13,5%, thấp hơn một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Cụ thể, tỷ lệ này ở mức 17,1% ở Hà Lan, 22,4% ở Latvia, 22,5% ở Lithuania và 24,2% ở Estonia. Ngoài ra, thu ngân sách cũng ghi nhận tín hiệu khả quan. Từ tháng 1 đến 9-2022, thặng dư ngân sách hợp nhất lên tới khoảng 1,4 nghìn tỷ ruble trong khi doanh thu từ sản phẩm ngoài dầu khí trong quý 3-2022 cao hơn dự kiến, cả ở cấp liên bang và khu vực.

Đáng chú ý, Tổng thống Putin nhấn mạnh tầm quan trọng trong bảo đảm hoạt động ổn định của lĩnh vực tiêu dùng và thúc đẩy sự tăng trưởng. Quý 3-2022, doanh số bán lẻ giảm 8,8%, tính theo giá trị thực. Chính phủ và Ngân hàng trung ương Nga cần phối hợp hành động để bảo đảm phục hồi kinh tế vĩ mô ổn định. Ông Putin nhấn mạnh: “Tình hình chung là khá ổn định. Song, điều quan trọng là phải hiểu rằng áp lực trừng phạt đối với Nga sẽ gia tăng. Chúng ta cần có các kế hoạch hành động linh hoạt, hiệu quả trong ngắn hạn và trung hạn một cách nhất quán”.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế Caspi 2 ngày 6-10, Thủ tướng Nga Mikhail Mitshustin cũng dự báo kinh tế sẽ trở lại đà tăng trưởng ổn định trong hơn một năm nữa. Trong giai đoạn 2024-2025, GDP sẽ tiếp tục tăng trưởng, chủ yếu nhờ sự gia tăng của nhu cầu trong nước - tiêu dùng và đầu tư, và thông qua việc thực hiện các ưu tiên chiến lược về lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông và logistics, định hướng lại dòng chảy xuất nhập khẩu, tăng cường chủ quyền công nghệ, hỗ trợ đầu tư tư nhân và thị trường tài chính, giải quyết các nhiệm vụ cần thiết để đạt được các mục tiêu quốc gia.

Nhiệm vụ chính của chính phủ là bảo vệ lợi ích của công dân và đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế; đồng thời tính toán các rủi ro tiềm tàng và giảm thiểu hậu quả của các lệnh trừng phạt. Trong khi phương Tây dự đoán, kinh tế Nga sẽ đối mặt mức giảm 15% GDP năm 2022 thì Bộ Kinh tế Nga dự kiến mức giảm chỉ 2,9%.

Ngày 7-10, Tổng thống Putin có lịch trình làm việc bận rộn dịp sinh nhật lần thứ 70. Theo đó, ông Putin gặp những người đồng cấp từ các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) tại cung điện Constantine. Đây là bước chuẩn bị quan trọng cho hội nghị Thượng đỉnh về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) vào tuần tới tại Astana.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.